Tính mới của sáng chế, làm sao để nhận biết?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình ở Hà Nội. Quý công ty tư vấn giúp mình: Làm sao để biết được tính mới của sáng chế?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ như sau:

Thứ nhất, để sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có tính mới;

– Có trình độ sáng tạo;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Thứ hai, để sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có tính mới;

– Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Như vậy, dù sáng chế được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền sáng chế hay Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì đều đòi hỏi rằng sáng chế cần phải có tính mới.

Theo quy định tại Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để được xem sáng chế là có tính mới, thì cần đáp ứng được các điểm sau đây:

Thứ nhất, Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

Thứ hai, Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

Thứ ba, Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

– Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

– Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Như vậy, từ những quy định trên thì để được coi là tính mới của sáng chế thì cần đáp ứng được các điều kiện như ở trên.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan