Bảo hộ độc quyền sáng chế là cơ chế đặc biệt cho phép chủ sở hữu sáng chế được độc quyền hưởng những lợi ích về mặt kinh tế và thương mại từ việc khai thác, sử dụng sáng chế trong một thời hạn nhất định về thời gian và không gian được bảo hộ. Theo đó, giải pháp kỹ thuật được cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ không thể bị người khác khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại trong phạm vi quốc gia bảo hộ ngoài chủ sở hữu sáng chế.
Chủ sở hữu sáng chế có quyền khởi kiện chống lại bất kỳ người nào có hành vi khai thác sáng chế được bảo hộ quyền trong phạm vi quốc gia đó mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.
Tuy nhiên, sáng chế hoàn toàn không phải được bảo hộ bởi những chi phí đầu tư về mặt tiền bạc, thời gian hay sự lao động nặng nhọc cho quá trình sáng tạo, mà giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ buộc phải đạt được những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số vấn đề pháp lý liên quan tới tiêu chí “khả năng áp dụng công nghiệp” của sáng chế.
“Khả năng áp dụng công nghiệp” là một thuật ngữ được sử dụng nhằm để chỉ khả năng chế tạo, sản xuất hoặc khả năng thực hiện hay sử dụng trong thực tiễn của sáng chế. Đây là một trong những tiêu chí bảo hộ sáng chế có lịch sử hình thành và pháp triển từ rất lâu đời. Ngay từ đạo luật đầu tiên trên thế giới về bảo hộ sáng chế, yêu cầu về khả năng thực hiện trong thực tế của giải pháp kỹ thuật được tạo ra. Đạo luậtVenicenăm 1474 đã quy định rất rõ: “bất kỳ người nào sáng tạo ra những cỗ máy mới trong thành phố, chưa từng được biết đến trong xã hội chúng ta, khi đã hoàn thiện và có thể sử dụng trên thực tế thì có thể trình diện trên hội đồng thành phố. Trong thời hạn 10 năm, không bất kỳ một vùng lân cận được quyền chế tạo ra loại cỗ máy giống hoặc tương tự, nếu không được sự cho phép cả nhà sáng chế”.
Thuật ngữ “công nghiệp” được sử dụng trong tiêu chí khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế có ý nghĩa đặc định dùng để phản ánh khả năng thực hiện giải pháp kỹ thuật của sáng chế bằng những phương tiện kỹ thuật ở một quy mô nhất định nào đó. Theo Mục 4.1, Chương IV, Phần C, Điều lệ xét nghiệm sáng chế của Uỷ ban sáng chế Châu Âu (EPO), thuật ngữ “công nghiệp” được dùng để chỉ tất cả các hoạt động thực tiễn, bao gồm không chỉ việc sử dụng máy móc, vận hành sản xuất mà còn bao gồm cả các quy trình khác như quy trình làm phân tán sương mù hoặc quy trình chuyển hoá năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Thuật ngữ này trong quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế của Argentina được sử dụng với ý nghĩa bao hàm cả các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn nuôi, khai mỏ và các quy trình công nghiệp khác. Điểm 4.1, Chương IV trong tài liệu hướng dẫn về xét nghiệm sơ bộ quốc tế các đơn PCT cũng đã chỉ dẫn rất rõ: Thuật ngữ công nghiệp được hiểu với ý nghĩa bao hàm tất cả các hoạt động thực tiễn của xã hội, trừ những hoạt động mang tính nghệ thuật. Theo đó, khả năng áp dụng của sang chế sẽ không được xem xét trong các lĩnh vực thuộc về hoạt động tinh thần của con người.
Một sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu nó có thể được sử dụng, sản xuất với một quy mô kỹ thuật nhất định. Theo pháp luật của Vương quốc Áo, để được bảo hộ sáng chế, giải pháp kỹ thuật nào có khả năng thực hiện được trong thực tiễn. Bất kỳ một giải pháp kỹ thuật nào có khả năng sử dụng hoặc thực hiện được bằng các hoạt động thực tiễn của con người đều được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp. Các giải pháp kỹ thuật mang tính chất tự biện thuần tuý hoặc đi ngược lại với các quy luật của tự nhiên như động cơ vĩnh cửu hoặc giải pháp chống lại hiện tượng thủng tầng ôzôn bằng cách chế tạo một lớp màng ngăn bằng chất dẻo bao trùng toàn bộ trên bầu khi quyển trái đất… sẽ không được bảo hộ sáng chế vì không có khả năng thực hiện trong thực tế… Ngoại lệ, có một số giải pháp kỹ thuật mặc dù hoàn toàn có khả năng thực hiện được trên thực tế nhưng vẫn bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp. Pháp luật về bảo hộ sáng chế của không ít quốc gia trên thế giới không đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của các sáng chế chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân của một người nào đó hoặc chỉ có khả năng thực hiện được đối với một cá nhân cụ thể nào đó. Ví dụ như các sáng chế liên quan đến phương pháp sử dụng chế phẩm làm thụ thai (Cơ quan sáng chế châu Âu), phương pháp hút thuốc (Nhật Bản), phương pháp đặt khớp giày trượt tuyết vào ván trượt (Thuỵ Sỹ)…Quy định loại trừ này có ý nghĩa nhằm đảm bảo khả năng áp dụng rộng rãi và/hoặc tái sản xuất hàng loạt của các giải pháp kỹ thuật của sáng chế.
Cần phải lưu ý rằng, tiêu chí về khả năng áp dụng công nghiệp hoàn toàn không đánh giá về khả năng khai thác các khía cạnh kinh tế và tài chính của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ. Luật về bảo hộ sáng chế của Công hoà pháp quy định; để được bảo hộ sáng chế, đối tượng yêu cầu bảo hộ phải có khả năng đạt đến một kết quả thực tiễn nhất định có tính kỹ thuật, không xem xét sự hoang thiện của nó, ngay cả khi các chuyên gia kỹ thuật nhận định việc khai thác chế độ có không mang lại bất kỳ một giá trị lợi nhuận hoặc tiện ích nào. Đây là một trong những đặc điểm khách biệt cơ bản nhất giữa tiêu chí khả năng áp dụng công nghiệp và tiêu chí về tính hữu ích của giải pháp kỹ thuật được quy định trong pháp luật về bảo hộ sáng chế của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Australia và Niu Zi Lân…
Trên đây là những thông tin căn bản nhất về tiêu chí “khả năng áp dụng công nghiệp” trong pháp luật về bảo hộ độc quyền sáng chế. Hy vọng rằng, với những thông tin nói trên, có thể đóng góp thêm một phần hiều biết về một trong những tiêu chí bảo hộ sáng chế.
Luật sư, thạc sĩ Trần Trung Kiên
Giám đốc điều hành Công ty Luật S&B Law