Câu hỏi: Công ty mình ở Hà Nội có tuyển 1 NLĐ ở Sài Gòn ra Hà Nội làm việc. Hàng tháng Công ty mình có hỗ trợ 1 vé máy bay khứ hồi để người này về Sài Gòn thăm gia đình (có ghi rõ trong hợp đồng lao động: " Hàng tháng NSDLĐ sẽ cung cấp cho NLĐ 1 vé máy bay khứ hồi dạng phổ thống từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh ..."). Hiện tại khi tính thuế TNCN thì mình phải tính như thế nào:
- Tiền vé máy bay hàng tháng có tính vào Thu nhập chịu thuế?
- Nếu tháng đó NLĐ đi về 2 lần thì vé máy bay khứ hồi thứ 2 sẽ tính thuế như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định về phụ cấp lương được định nghĩa như sau:
" Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương”.
Như vậy, tiền vé máy bay công ty bạn cấp cho nhân viên theo hợp đồng lao động chính là khoản phụ cấp lương dành cho NLĐ này.
Theo Điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định về thu nhập chịu thuế đối với trợ cấp, phụ cấp:
"Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
- Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công;
- Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ;
- Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang;
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực;
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội;
- Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật;
- Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao;
- Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc;
- Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản;
- Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế quy định tại Điểm này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.
Như vậy, tiền vé máy bay khứ hồi công ty cấp cho nhân viên này không thuộc trường hợp thu nhập không chịu thuế. Nên khoản tiền này vẫn được tính vào thu nhập chịu thuế của nhân viên đó.
Thứ hai, nếu tháng đó NLĐ đi về 2 lần thì vé máy bay khứ hồi thứ 2 sẽ tính thuế như thế nào?
Về vé máy bay khứ hổi thứ hai, nếu là vé này do chính nhân viên chi trả thì tiền vé máy bay không bị tính vào thu nhập chịu thuế. Vì nó không phải là thu nhập.
Trong trường hợp vé máy bay khứ hồi thứ hai là do công ty chi trả. Theo hợp đồng lao động giữa nhân viên và công ty thì hàng tháng công ty chỉ cấp cho nhân viên 1 vé máy bay khứ hồi dạng phổ thông. Vậy nên vé máy bay khứ hồi thứ hai bay từ Hà Nội đến thành phố HCM phát sinh không được tính được vào thu nhập chịu thuế như vé máy bay đầu tiên (vì đây là thu nhập phát sinh bất thường không được tính vào thu nhập thường xuyên). Mà tiền vé máy cũng không thuộc một trong những khoản thu nhập bất thường được tính vào thu nhập chịu thuế.
Vậy nên vé máy bay khứ hồi thứ hai không được tính vào thu nhập chịu thuế.