Thời gian gần đây, một số tài khoản cá nhân bỗng dưng nhận được một khoản tiền “từ trên trời rơi xuống", song chỉ sau một thời gian ngắn, có đối tượng tìm đến đòi tiền cho vay kèm theo lãi suất ở mức "cắt cổ". Nghiêm trọng hơn, chúng còn sử dụng thủ đoạn này để đánh cắp tài khoản ngân hàng.
Cách đây không lâu, tài khoản của chị N.P.M (ở phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM) bỗng nhiên báo được nhận 36 triệu đồng với dòng chữ “cho mượn”. Chỉ khi đến ngân hàng, chị M mới được cho biết là đã có tài khoản lạ đã gửi tiền cho chị. Do có nhiều băn khoăn nên chị M yêu cầu ngân hàng làm thủ tục giải quyết số tiền này.
Tương tự như chị M, một số cá nhân khác cũng khá bất ngờ khi nhận được tin nhắn qua điện thoại báo tài khoản ngân hàng của ông nhận được số tiền lên tới vài chục triệu đồng với nội dung “cho vay”.
Ngay sau đó, một đối tượng tự xưng là người đã chuyển nhầm tài khoản và ngỏ ý xin nhận lại số tiền. Không ít chủ tài khoản chỉ nghe nói vậy, không xác minh đã vội vã chuyển lại tiền. Ít ngày sau, một đối tượng khác lại tiếp tục gọi đến…đòi tiền cho vay, gồm cả gốc lẫn lãi. Nếu bên nhận được tiền không thanh toán sẽ bị đe dọa, khủng bố tinh thần.
Đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng giăng bẫy qua điện thoại, dẫn dụ lấy mã OTP đã bị bắt giữ |
Không chỉ có vậy, có đối tượng còn cố ý chuyển tiền nhầm sau đó đánh cắp thông tin của nạn nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Thủ đoạn của chúng là chuyển tiền vào một tài khoản nào đó, sau đó gọi điện thông báo và hướng dẫn thủ tục hoàn trả. Chúng thường gửi cho nạn nhân đường link, yêu cầu họ điền thông tin cá nhân để làm thủ tục ủy nhiệm chi lên hệ thống ngân hàng, sau đó chuyển tiền trả lại cho chủ tài khoản. Khi nạn nhân truy cập vào đường link này sẽ bị lộ các thông tin về tài khoản của mình. Sau khi thực hiện hết các thao tác thì toàn bộ số tiền trong tài khoản của khổ chủ sẽ không cánh mà bay vì đã được chuyển vào tài khoản của một người khác và bị rút hết tiền.
Về tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp. Còn nếu đúng hạn trả nợ, chủ tài khoản đã chuyển nhầm tiền xuất hiện và yêu cầu bên nhận thanh toán thì họ cũng khó có thể từ chối vì thông tin chuyển khoản đã lưu trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng.
Trong khi đó, theo Điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho UBND hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
Còn theo đại diện của Phòng CSHS – CATP Hà Nội, khi chủ tài khoản nhận được thông báo có tiền chuyển nhầm không nên chuyển trả ngay nếu vẫn chưa xác định được đó có phải là chủ tài khoản - người chuyển tiền cho mình thật sự hay không. Chủ tài khoản nên liên hệ với ngân hàng và chuyển trả thông qua ngân hàng, có xác nhận, lưu trữ hoặc báo với cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những rủi ro không đáng có.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/tien-trong-tai-khoan-boc-hoi-bong-dung-thanh-con-no-do-sap-bay-chuyen-khoan-nham-post468363.antd