Câu hỏi: Người lao động sẽ hưởng trợ cấp ca đêm nếu làm việc từ khung giờ 10pm-6am. Tuy nhiên nếu NLĐ có ca làm việc từ 9h từ 10pm - 7am (bao gồm 1 giờ nghỉ giữa ca nhưng không quy định rõ là mấy giờ trong nội quy công ty) thì số giờ hưởng trợ cấp ca đêm của nhân viên là bao nhiêu?
Nhờ SBLAW tư vấn giúp.
Trả lời: Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động, thời gian làm việc vào ban đêm được tính từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 109, Bộ luật lao động, trong trường hợp người làm ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc.
Thời gian làm ca của người này như em trình bày trên đây được coi là 6 giờ làm ca liên tục rồi.
Và như vậy, thì số giờ hưởng trợ cấp ca đêm của người này, sẽ từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Câu hỏi: Với các bạn không làm liên tục 6 tiếng rồi nghỉ break, mà thường làm 3-4 tiếng nghỉ break 1 tiếng, sau đó làm tiếp để hoàn thành ca làm 8 tiếng.
Trong lịch làm việc, team có sắp xếp giờ nghỉ này, tuy nhiên trong nội quy LĐ không ghi rõ giờ nghỉ cụ thể tương ứng với từng ca, vì nó được sắp xếp case by case theo lịch mỗi bạn và thay đổi theo từng ngày.
Như vậy nếu bạn có break time 1 tiếng phát sinh trong giờ đêm (10pm-6am), thì 1 tiếng nghỉ này có được tính night shift không ạ?
Ví dụ
- bắt đầu làm từ 10pm-1am (3 tiếng), sau đó nghỉ 1am-2am (1 tiếng), và làm tiếp từ 2am - 7am (5 tiếng) => 1 tiếng nghỉ từ 1am-2am này có được tính tiền ca đêm +30% so với lương bình thường không ạ?
Với các bạn làm 6 tiếng liên tục thì 1h nghỉ này được coi là giờ làm việc => tức là 1h nghỉ này vẫn tính lương như bình thường chứ không được coi là giờ nghỉ phải ko ạ?
Nhờ SBLAW tư vấn giúp.
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 108 Bộ luật lao động, người lao động làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc. Thời gian nghỉ ít nhất 45 phút này được áp dụng cho ca làm việc liên tục 8 tiếng hoặc 6 tiếng (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 45/2013/NĐ-CP). Do vậy, nếu người lao động không làm việc liên tục trong ca làm việc 6 giờ (đối với trường hợp ca làm việc rút ngắn) hoặc 8 giờ thì thời gian nghỉ ngắt quãng giữa ca không được tính vào thời gian làm việc.
Đối với trường hợp đưa ra trong ví dụ em nêu, "bắt đầu làm từ 10pm-1am (3 tiếng), sau đó nghỉ 1am-2am (1 tiếng), và làm tiếp từ 2am - 7am (5 tiếng)", thì theo quan điểm của anh đây là làm việc liên tục 8 giờ (điều này một phần là do Nội quy lao động bên em không quy định rõ về thời gian làm việc trong ca, cho nên, thông thường sẽ được diễn giải có lợi hơn cho NLĐ). Do vậy, thời gian nghỉ 1 tiếng phát sinh trong khoảng thời gian làm việc ban đêm (từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau), sẽ được tính vào thời giờ làm việc ca đêm và được tính thêm 30% so với lương bình thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 97 Bộ luật lao động.
Trường hợp làm việc liên tục trong 6 giờ làm việc hoặc 8 giờ làm việc, đương nhiên, thời gian nghỉ giữa ca được tính vào thời gian làm việc để tính lương.
Câu hỏi: Theo Luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP để có sự rõ ràng và cập nhật hơn so với Luật Lao động 2012 và Nghị định 45 như SBLAW đã nêu.
Khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP: "Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định này ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút."
Khoản 3 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP: "Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút."
Khoản 2 Điều 63 Nghị định 145/2020/NĐ-CP: "Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục)."
Theo như các quy định trên, chúng tôi hiểu như sau, thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc (không tính các TH làm việc liên tục từ 6 giờ trở lên) chỉ khi người lao động làm việc hai ca liền kề, có thời gian làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên và đồng thời, thời gian chuyển tiếp giữa hai ca không quá 45 phút. Hai ca làm việc liền kề này có thể hiểu sẽ xảy ra khi có ca xoay, ví dụ tuần này làm ca đêm và tuần sau làm ca sáng, ngày cuối cùng của tuần làm ca đêm và ngày đầu tiên của tuần làm ca sáng sẽ có "Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút."
Như vậy, với ví dụ của chúng tôi ở câu hỏi trước thì thời gian 01 tiếng nghỉ giữa ca từ 1am-2am đó không được tính vào thời giờ làm việc để có trả lương
Luật sư trả lời: Cách giải thích của công ty có thể chấp nhận được, nhưng với điều kiện công ty có quy định rõ ràng về ca làm việc.
Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp mình không có quy định về ca làm việc (theo thông tin doanh nghiệp cung cấp thì sblaw đang hiểu là trong nội quy lao động không có quy định về ca làm việc).
Vậy, khi xảy ra tranh chấp (nếu có), đặc biệt trong tình huống "xoay ca" như doanh nghiệp trình bày, không có một căn cứ pháp lý rõ ràng nào để xác định, trong tình huống đó, người lao động làm việc "xoay ca" mà vẫn có thể xác định được người đó đang làm việc trong 01 ca duy nhất.
Cách giải thích này thường sẽ được chấp nhận vì thực tiễn hiện nay về áp dụng luật lao động sẽ nghiêng về hướng giải thích có lợi hơn cho người lao động.