Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về tiền ảo và những vấn đề pháp lý liên quan trên chương trình Bạn và Pháp luật thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia, đến đời sống của mỗi người. Một trong những sản phẩm công nghệ số gây ra nhiều tranh cãi nhất và được biết đến nhiều nhất, đó là tiền ảo.
Hỏi: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo luật sư thì tiền ảo có được xem là một loại tài sản hay không?
Trả lời: Nếu chiếu theo các quy định pháp luật nước ta hiện nay thì tiền ảo không được coi là một loại tài sản. Hiện nay, tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Cụ thể:
- Vật là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai thác, sử dụng như vàng bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa, ...
- Tiền là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao gồm nội tệ và ngoại tệ.
- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá gồm các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, …
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, …
Như vậy tiền ảo không thuộc bất cứ loại nào trong 4 loại trên vì vậy không được coi là một loại tài sản.
Hỏi: Nếu như xảy ra tranh chấp liên quan đến tiền ảo thì sẽ giải quyết như thế nào, thưa luật sư? Ví dụ như bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền ảo; khi có người yêu cầu phân chia di sản thừa kế là tiền ảo thì có tiến hành chia không? Hoặc, khi một người có hành vi phá hỏng ví điện tử của người khác làm cho việc đăng nhập không thể thực hiện được thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định như thế nào?
Trả lời: Như đã đề cập bên trên thì tiền ảo không được coi là một loại tài sản. Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/04/2018, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật. Những điều này cho thấy việc giao dịch với đối tượng là tiền ảo được xem là trái pháp luật và và sẽ bị tuyên vô hiệu.
Tuy nhiên với những hành vi như lừa đảo, chiếm đoạt tiền ảo, tài trợ khủng bố, …liên quan đến tiền ảo hiện nay ở nước ta vẫn đang được xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Đặc biệt cần lưu ý tại điểm h khoản 1 Điều 206 BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng trong đó có bao gồm hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hỏi: "Tội cướp tiền ảo (bitcoin) khác cướp tiền thật như thế nào dưới góc độ pháp lý? Cách xác định hành vi phạm tội ra sao? Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên có phải là tài sản không?" – đây là câu hỏi của bạn Khánh Trần, ở TP Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, rất nhiều thính giả cũng cùng chung thắc mắc này, bởi lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng tiền ảo không phải là tài sản, vậy thì không thể cho hành vi của nhóm đối tượng là cướp tài sản được? Ý kiến của luật sư như thế nào?
Trả lời: Tiền ảo dù không được thừa nhận sử dụng làm phương tiện thanh toán, nhưng nó vẫn có giá trị kinh tế với người sở hữu.
Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước có nêu: “Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”. Còn việc sử dụng tiền ảo ngoài mục đích trên như: cầm giữ, trao đổi, mua bán, … thì không có quy định cấm.
Ở góc độ về mặt lý luận, Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lầm vào tình trạng không thể chống cự được. Có thể hiểu đơn giản với tội cướp tài sản nhận thức chủ quan của nhóm đối tượng thì tiền ảo là tiền, là tài sản. Những người này dùng vũ lực, có ý thức chiếm đoạt nên hành động đó đã cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015.
Hỏi: Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm hiện nay là khi các sàn giao dịch tiền ảo, dự án đầu tư tiền ảo bị “sập” thì các nhà đầu tư có thể lấy lại được tiền hay không và nhóm đối tượng lôi kéo nhà đầu tư có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Trả lời: Tiền ảo vốn không được pháp luật thừa nhận do đó việc giao dịch tiền ảo, đầu tư vào các dự án tiền ảo sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của phép luật.
Theo đó, các nhà đầu tư có thể yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của các giao dịch trên theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, tức là đòi lại tiền thông qua khởi kiện vụ án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, các công ty kinh doanh tiền ảo đều lách luật bằng cách ký các hợp đồng một cách chung chung mà không nhắc đến tiền ảo. Do đó, việc đòi lại tiền là rất khó vì không có căn cứ thể hiện các bên ký hợp đồng để khai thác, kinh doanh tiền ảo một cách trái pháp luật.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên chọn đầu tư vào những kênh chính thống, được pháp luật bảo vệ để tránh khỏi những rủi ro nêu trên. Về lâu dài nếu vẫn chưa có các quy định nào cho phép tiền ảo được lưu hành thì hoàn toàn dễ hiểu khi các cơ quan có thẩm quyền từ chối tiếp nhận và xử lý những vụ việc liên quan, các nhà đầu tư sẽ là người chịu thiệt thòi duy nhất.
Hỏi: Hiện nay, có không ít người nhầm lẫn tiền ảo với tiền trong ví điện tử (như Momo, VNPay, AirPay). Vậy thì sự khác nhau giữa tiền ảo với tiền trong ví điện tử như thế nào, luật sư có thể phân tích cho thính giả hiểu hơn được không?
Trả lời: Ví điện tử, có tên gọi khác là ví số, là một tài khoản online dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến phổ biến hiện nay. Có thể hiểu ví điện tử giống như ví thông thường, đều là nơi lưu trữ tiền, nhưng điểm khác là ví thường thì giữ tiền ở dạng vật chất có thể thấy, cầm, nắm được còn ví điện tử thì cất giữ tiền đã mã hoá thành các dữ liệu điện tử hay còn gọi là tiền điện tử. Đây là đồng tiền pháp định, được đảm bảo bởi ngân hàng trung ương (NHTW) quốc gia đó hay các tổ chức tài chính chịu sự quản lý của NHTW.
Còn tiền ảo không phải là đồng tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi bất kỳ Chính phủ hay NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào. Nó có hoạt động phân tán và mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hỏi: Bạn Hoàng Thảo, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có hỏi chương trình là: “tiền xu” của Tiki hoặc của Shopee có phải là tiền ảo hay không? Xin luật sư giải đáp.
Trả lời: Như chương trình đã đưa ra khái niệm về “tiền ảo”, tôi xin được nhắc lại: “Tiền ảo là dạng tiền điện tử được tạo ra bởi những cá nhân hoặc tập thể do đó, tiền ảo thường được quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập. Tiền ảo chỉ được công nhận và sử dụng trong một cộng đồng ảo cụ thể với những mục đích khác nhau”
Định nghĩa về “tiền xu” của Shopee được quy định như sau: “Shopee Xu được xem như điểm thưởng mà Người dùng sẽ nhận được sau khi trúng thưởng khi tham gia Giải thưởng Shopee hoặc thực hiện thành công các giao dịch thanh toán hợp lệ nhất định trên Shopee.” Shopee Xu là điểm thưởng mà được riêng Shopee đứng ra phát hành dưới dạng “xu”, chỉ có thể được dùng trong các giao dịch trong hệ thống dịch vụ của Shopee.
Từ hai định nghĩa trên, ta có thể khẳng định rằng “tiền xu” của Tiki hoặc Shopee không phải là một loại tiền ảo, nó chỉ là những “phiếu mua hàng điện tử” hoặc là một hình thức khuyến mãi được 2 công ty này đưa ra chỉ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng của họ.
Hỏi: Tại Việt Nam, Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Như vậy, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
Trả lời: Hiện nay, theo quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán và các loại tiền ảo tương tự khác không phù hợp với quy định tại khoản 6, khoản 7 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt về thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm cả Bitcoin) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng:
"6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
b) Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;
c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự."
Bên cạnh đó, theo Bộ luật hình sự 2015 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 206 sửa đổi về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ 1/1/2018, người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
NHNN cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, ngày 21/07/2017 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo đến văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo, khẳng định một lần nữa rằng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hỏi: Pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo, chính vì vậy mà rất nhiều sàn giao dịch liên quan đến tiền ảo xuất hiện ồ ạt. Nhiều tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch “ma” để huy động tiền từ những nhà “đầu tư”. Nếu xảy ra tranh chấp thì liệu người bị hại có được pháp luật bảo vệ hay không, thưa luật sư?
Trả lời: Xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam với các loại tiền ảo như Bitcoin, Pi Network, Ripple, Bitcoin Cash, Litecoin… cộng đồng những người tham gia đầu tư tiền ảo đang ngày càng nhiều và mức giao dịch ngày càng tăng. Các tranh chấp thường phát sinh liên quan đến tiền ảo gồm quyền sở hữu tiền ảo, mua bán tiền ảo, vay mượn tiền ảo, thừa kế tiền ảo và bồi thường thiệt hại trong giao dịch tiền ảo.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Chính vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo.
Trong thực tế, các cơ quan chứng năng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự của các đối tượng đứng sau giật dây các sàn giao dịch trái phép dựa trên quy định của pháp luật hình sự.
Hỏi: Rất nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng, từ chuyên gia cho người dùng khi đầu tư vào tiền ảo, hay những hoạt động phi pháp liên quan đến tiền ảo, nhưng đến nay vẫn chưa có 1 khung pháp lý nào để quản lý tiền ảo? Phải chăng việc chậm ban hành khung pháp lý này làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới, thưa luật sư?
Trả lời: Việc chậm ban hành các khung pháp lý một cách rõ ràng, cụ thể cũng như việc chưa xuất hiện các chế tài xử lý dành riêng cho tiền ảo khiến cho hiện trạng lừa đảo, giao dịch tiền ảo ở nước ta đang càng ngày càng trở nên phức tạp. Các đối tượng đang lợi dụng lỗ hổng giữa pháp luật tiền tệ ngân hàng, pháp luật dân sự và pháp luật đầu tư kinh doanh để luồn lách, trục lợi một cách bất chính.
Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Căn cứ theo Điều 33 Hiến pháp cho phép mọi người được thực hiện các hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm, thì hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo thì không bị coi là cấm.
Tuy nhiên, trong quy định về tiền tệ và ngân hàng, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Lợi dụng kẽ hở này, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch “ma” để huy động tiền từ những nhà “đầu tư”.
Hỏi: Với tư cách 1 nhà làm luật, thì luật sư có quan điểm cũng như có ý kiến gì về việc cần sớm ban hành điều luật, cũng như đưa các vấn đề liên quan đến tiền ảo vào diện quản lý của nhà nước?
Trả lời: Hiện nay, có thể nhận thấy tiền ảo là một lĩnh vực còn rất mới trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển. Cũng chính vì độ mới và phức tạp của đơn vị giao dịch này nên đây là một thách thức lớn đối với việc xây dựng khu pháp lý cho tiền ảo, không chỉ ở Việt Nam mà còn với rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay tiền ảo đã thâm nhập khá sâu vào nhiều các giao dịch điện tử trên không gian mạng internet, tác động lớn tới đời sống kinh tế cũng như xã hội của người dân. Vì vậy việc sớm đưa ra các quy định cụ thể về định nghĩa, điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến tiền ảo, các chế tài xử lý tội phạm công nghệ cao có sử dụng tiền ảo hay các chế tài liên quan đến các sàn giao dịch tiền, ngoại hối trái phép sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội cũng như bảo vệ được quyền lời hợp pháp của nhà đầu tư, người dân. Hơn nữa, việc đưa ra được các quy định nhằm hợp pháp tiền ảo cũng giúp mở rộng thị trường, những lựa chọn hình thức thanh toán cho người tiêu dùng.