Câu 1: Thưa luật sư, trong vụ án Mr. Pips, những hành vi nào của học sinh, sinh viên có thể bị coi là hành vi giúp sức và bị xem là đồng phạm trong tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Các hình thức đồng phạm bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Trong đó, người giúp sức là người không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng có hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để người khác thực hiện tội phạm.
Tôi cho rằng, trong vụ án Mr. Pips, hành vi của học sinh, sinh viên có thể bị xem là giúp sức và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 BLHS) nếu có các biểu hiện như:
- Gửi đường link tham gia nền tảng lừa đảo;
- Tích cực mời gọi, lôi kéo người khác đầu tư;
- Cung cấp thông tin sai lệch, hoặc cố ý che giấu sự thật về bản chất hoạt động của hệ thống;
- Hướng dẫn người khác nạp tiền, rút tiền, thao tác đầu tư để hưởng phần trăm hoa hồng.
Các hành vi này, nếu được thực hiện với ý thức rõ ràng về tính chất gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản của người tổ chức, thì người thực hiện hoàn toàn có thể bị coi là đồng phạm với vai trò giúp sức. Đây là điểm mấu chốt để xác định trách nhiệm hình sự: ý chí và nhận thức của người tham gia, được thể hiện qua mặt chủ quan của cấu thành tội phạm.
Câu 2: Trường hợp hơn 1.000 học sinh, sinh viên bị phát hiện có tham gia vào đường dây lừa đảo trong vụ án Mr. Pips thì theo pháp luật, họ sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc tham gia vào các đường dây lừa đảo như thế này là hành vi vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự Việt Nam , đặc biệt là các tội danh như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) hoặc Sử dụng mạng máy tính... chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Tuy nhiên, cách xử lý sẽ không đồng nhất.
Điểm cốt lõi là việc xác định vai trò và mức độ tham gia của từng cá nhân. Pháp luật hình sự cá nhân hóa trách nhiệm, phân biệt rõ giữa người cầm đầu, tổ chức, người thực hành, người giúp sức và những người chỉ tham gia một cách bị động hoặc thiếu hiểu biết. Mức độ nhận thức về tính chất phi pháp của hành vi cũng là yếu tố then chốt được cơ quan chức năng xem xét.
Theo đó, những cá nhân được xác định có vai trò chủ chốt, tích cực tham gia hoặc cố ý giúp sức sẽ đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và các mức hình phạt nghiêm khắc, có thể là án tù dài hạn, tùy thuộc vào quy mô thiệt hại gây ra. Ngược lại, đa số học sinh, sinh viên có thể chỉ tham gia với vai trò nhỏ, bị dụ dỗ hoặc hiểu biết hạn chế về hoạt động lừa đảo. Những trường hợp này có khả năng được xem xét xử lý nhẹ hơn, từ hình phạt dưới khung, án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, xử phạt hành chính, hoặc thậm chí không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi không cấu thành tội phạm hoặc có đủ căn cứ miễn trách nhiệm. Những người cũng là nạn nhân sẽ được phân loại phù hợp.
Phóng viên phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà tại văn phòng SB Law
Bên cạnh các chế tài pháp lý, những cá nhân liên quan còn phải chịu kỷ luật từ nhà trường và đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến danh tiếng và cơ hội tương lai. Tuy nhiên, việc thành khẩn hợp tác và khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ quan trọng.
Cuối cùng, số phận pháp lý cụ thể của từng học sinh, sinh viên trong vụ án Mr. Pips sẽ được quyết định dựa trên kết quả điều tra chi tiết, làm rõ vai trò, hành vi và các tình tiết liên quan, đảm bảo việc xử lý công bằng và đúng quy định của pháp luật.
Câu 3: Về đầu tư tiền ảo:
3.1. Thưa luật sư, hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về tiền ảo? Có được coi là tài sản, hay một hình thức đầu tư hợp pháp không?
Trả lời:
Thứ nhất, theo quy định hiện hành, tiền ảo không được công nhận là loại tài sản hợp pháp.Căn cứ theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.
Nên có thể thấy, tiền ảo không được liệt kê vào bất kì một trong số các loại tài sản thuộc sự điều chỉnh của BLDS Việt Nam 2015.
Thứ hai, tiền ảo cũng không phải là một hình thức đầu tư hợp pháp tại Việt Nam bởi:
(i) Không có bất kì một văn bản luật nào tại Việt Nam công nhận tiền ảo là hàng hóa hay tài sản đầu tư, và cũng chưa có luật nào tại Việt Nam công nhận tiền ảo là chứng khoán, hàng hóa giao dịch hay là loại hình đầu tư được phép chào mời công khai.
(ii) Tiền ảo không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và cũng không thuộc danh mục ngành nghề được phép đầu tư kinh doanh (theo Luật Đầu tư 2020)
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà chia sẻ quan điểm pháp lý với phóng viên về vụ án Mr.Pips
Đó là chưa kể, các cơ quan Nhà nước đã nhiều lần cảnh cáo và phủ nhận tính hợp pháp của loại hình này đến người dân bởi nó tiềm ẩn rủi ro cao và dễ bị lợi dụng để lừa đảo, rửa tiền hay chiếm đoạt tài sản.
Tóm lại, tại Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng điều chỉnh tiền ảo; đồng thời , loại hình này cũng không được pháp luật công nhận là tài sản đầu tư hợp pháp, không được coi là sản phẩm chứng khoán hay hàng hóa tài chính, do đó, mọi hoạt động đầu tư, môi giới hoặc kêu gọi góp vốn liên quan đến tiền ảo đều không có cơ sở pháp lý và tiềm ẩn nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự,
3.2. Những rủi ro pháp lý mà các nhà đầu tư có thể đối mặt với tiền ảo là gì?
Trả lời:
Thứ nhất, các nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ khi xảy ra tranh chấp hoặc mất tiền bởi tiền ảo hiện chưa được pháp luật công nhận là tài sản hợp pháp hoặc sản phẩm đầu tư, vì thế, các cơ quan nhà nước hoặc Tòa án có thể từ chối giải quyết bởi đối tượng tranh chấp không hợp pháp.
Thứ hai, có nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tham gia vào mô hình lừa đảo, đa cấp biến tướng hoặc hoạt động môi giới, kêu gọi đầu tư tiền ảo. Các hành vi như: mời gọi người khác đầu tư, phát hành token hay xây dựng sàn giao dịch tiền ảo có thể xử lý theo các điều khoản sau này ở Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017): Điều 174 - Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 290 - Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản; Điều 324 - Tội rửa tiền.
Thứ ba, toàn bộ vốn đầu tư có thể bị mất trắng nếu sàn giao dịch bị sập hay bị hack, khóa hoặc bỏ trốn. Bởi hiện nay, phần lớn các sàn giao dịch tiền ảo hoạt động tại Việt Nam không được cấp phép, nên nếu khi có sự cố, các nhà đầu tư không thể khiếu nại hiệu quả, và gần như không thể thu hồi tài sản. Chưa kể, nếu cơ quan điều tra xác định tiền mà nhà đầu tư khi vận hành các mô hình đó là thu lợi từ mô hình bất hợp pháp, nhà đầu tư có thể đối mặt với nguy cơ bị kê biên tài sản, phong tỏa tài sản nếu bị xác định có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
3.3. Thưa luật sư, đã có những vụ án điển hình đã từng xảy ra tại Việt Nam liên quan đến rủi ro đầu tư tiền ảo?
Trả lời:
Tại Việt Nam đã từng xảy ra nhiều vụ án điển hình liên quan đến việc đầu tư tiền ảo dẫn đến hậu quả lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó các đối tượng sử dụng hình thức huy động vốn trá hình, cam kết lợi nhuận "siêu khủng" để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Dưới đây là một số vụ án tiêu biểu:
Mới nhất là vụ lừa đảo đồng tiền năng lượng MPX trong năm 2025, Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin: Từ năm 2023, hai cá nhân gồm Đỗ Huy Hoàng và Hoàng Văn Quyết đã bàn bạc, thống nhất, liên hệ với đối tượng Alexsandar Mamasidikov (39 tuổi, quốc tịch Uzbekistan) để phân phối, bán tiền ảo MPX thông qua website Crossfi.org và quảng cáo đang hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa trên thế giới. Sau đó, nhóm này đăng tải nhiều thông tin về dự án tiền mã hóa trong tương lai, quảng cáo tiềm năng của đồng tiền mã hóa XFI để đi chào mời, bán đồng tiền năng lượng MPX (các đối tượng quảng cáo từ đồng tiền MPX sẽ "đào" được đồng XFI). Trong quá trình dụ dỗ nhà đầu tư, các đối tượng tổ chức cho "con mồi" đi du lịch ở Dubai; quảng cáo giới thiệu có thể sử dụng thẻ visa tích hợp đồng tiền XFI để thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng, can thiệp vào giá trị của đồng XFI… nhằm bán được đồng MPX, từ đó chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Qua điều tra cho thấy có gần 2.000 bị hại sập bẫy đường dây lừa đảo tiền ảo tinh vi này với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, CrossFi tiền thân là MinePlex, từng gây xôn xao trong giới đầu tư tiền mã hóa khi tự xưng là ngân hàng điện tử phi tập trung. Bằng các hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn, mô hình này đã huy động được hàng triệu USD trong nhiều năm qua…
Vụ lừa đảo iFan (năm 2018) – "siêu dự án" tiền ảo đa cấp:
Với thủ đoạn quảng bá iFan là một dự án tiền ảo do người Singapore sáng lập, kêu gọi đầu tư bằng cách mua đồng iFan với lãi suất lên tới 48%/tháng, thu hồi vốn sau 4 tháng, tặng thêm 5% khi mời gọi người khác. Gây ra thiệt hại: Ước tính hơn 15.000 nhà đầu tư, tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 15.000 tỷ đồng. Cơ quan công an TP.HCM đã điều tra nhiều năm, khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tính chất xuyên biên giới và tổ chức tinh vi, việc truy tố gặp nhiều khó khăn.