Swire Coca-Cola Limited – thành viên của Swire Pacific Limited - đã đạt được thỏa thuận mua lại dây chuyền sản xuất của Coca-Cola ở Việt Nam và Campuchia. Thương vụ dự kiến có giá trị lên tới 1 tỉ USD.
Câu 1: Với thương vụ này, chúng ta có phải nộp thuế không, thưa ông? Cơ sở của việc thu thuế này là gì? Dựa theo luật nào?
Trả lời:
Thương vụ Swire Coca-Cola Limited mua lại dây chuyền sản xuất Coca-Cola Việt Nam và Campuchia bản chất là M&A (mua bán – sáp nhập). M&A là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Trong quá trình giao dịch giữa hai bên làm xuất hiện các loại thuế sau: thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Hai loại thuế này sẽ được điều chỉnh theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung 2013) và Luật thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016).
Câu 2: Dự kiến số thuế thu được sẽ là bao nhiêu?
Trả lời:
Thứ nhất, nghĩa vụ thuế đối với bên chuyển nhượng
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với thu nhập phát sinh phát sinh từ hoạt động bán tài sản doanh nghiệp trong giao dịch mua tài sản M&A, được xác định là thu nhập khác chịu thuế suất 20% (kể từ năm 2016), cụ thể:
- Đối với việc bán tài sản là bất động sản thì chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;
- Đối với việc bán tài sản là chuyển nhượng dự án đầu tư thì chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư;
- Đối với việc bán tài sản mà tài sản không phải là bất động sản thì chịu thuế thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản. Tài sản này bao gồm cả các loại giấy tờ có giá khác;
- Trường hợp bên bán bán lại toàn bộ doanh nghiệp, thì thuộc trường hợp phát sinh thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn được xác định là thu nhập khác, cũng chịu mức thuế suất là 20%.
Thứ hai, nghĩa vụ thuế với bên nhận chuyển nhượng
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật Thuế giá trị gia tăng:
- Bên nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản như nhà xưởng, máy móc thì mức thuế suất là 10%;
- Trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, chứng khoán được giao dịch trên thị trường chứng khoán thì các giao dịch này được xếp vào giao dịch tài chính và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế do bên chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng là hai bên có thể tự thỏa thuận trong hợp đồng, cơ quan thuế không can thiệp.
Thương vụ chuyển nhượng Coca-Cola Việt Nam với giá trị ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD. Do đó, số thuế dự kiến thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.