Luật thuế thu nhập cá nhân đang tồn tại với hàng loạt bất cập sau hơn 10 năm áp dụng. Những nội dung liên quan đến mức chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, cách tính biểu thuế thu nhập cá nhân đang quá bất hợp lý trong bối cảnh “bão giá” và cấp thiết phải sửa đổi. Liên quan đến vấn đề trên Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp như sau, Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi 1: Xin Luật sư cho biết, sự cần thiết của việc sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân?
Trả lời:
Hiện nay với tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động và đặc biệt là đại dịch Covid 19 qua đi để lại rất nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Viện Nam nói riêng và toàn thể người dân trên thế giới nói chung, mức thu nhập của người dân giảm dần thì hơn hết chính phủ cần có những chính sách cần thiết nhằm hỗ trợ cho người dân.
Bên cạnh khó khăn của dịch bệnh thì theo thời gian phát triển kinh tế, lạm phát cao, giá các mặt hàng tăng nhanh mức giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là đã quá lỗi thời, không bắt kịp với sự phát triển và đặc biệt là không đủ để người dân có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày, nhất là ở các đô thị lớn do đó cần có sự điểu chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế…và các nội dung trong Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng phù hợp hơn.
Câu hỏi 2: Ông đánh giá như thế nào về cách tính thuế luỹ tiến theo 7 bậc hiện nay? Quy định biểu thuế luỹ tiến từng phần hiện hành có phù hợp?
Trả lời:
Qua quá trình thực tế thực hiện chúng ta có thể thấy rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc (07 bậc), giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Từ đó chúng ta cần nghiên cứu để giảm số bậc từ 07 bậc xuống ít hơn; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao.Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Cùng với việc thu hẹp dần số lượng thuế suất, có thể xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế cho phù hợp với những thay đổi gần đây về mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trên thế giới ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển.
Câu hỏi 3: Các nước trên thế giới quy định vấn đề này như thế nào? Việt Nam có thể học hỏi được gì?
Trả lời:
Trên thế giới, một số nước đã thu thuế thu nhập cá nhân theo bậc nhưng phân hoá rõ ràng giữa người thu nhập caovà người thu nhập thấp theo xu hướng người thu nhập cao đóng thuế nhiều, người thu nhập thấp đóng thuế ít.
Tùy vào tình hình kinh tế mà mỗi nước sẽ áp dụng số lượng bậc trong biểu thuế, ví dụ như:
Khác với nhiều quốc gia tính thuế cá nhân dựa trên tổng thu nhập, Sở Thuế vụ Mỹ tính thuế mỗi cá nhân theo thu nhập thực, tức thu nhập đã trừ đi chi phí tái đầu tư và các chi phí sinh hoạt khác. Theo bảng tính thuế thu nhập cá nhân từ Sở Thuế vụ Mỹ, thuế suất đối với một người độc thân sẽ có 7 bậc lũy tiến, trải từ 10% tới 120.529 USD (2,7 tỷ đồng) cộng với 39,6% thu nhập chịu thuế.
Tại Việt Nam, Điều 22 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định thì biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, kinh doanh như sau:
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 60 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 60 đến 120 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 120 đến 216 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 216 đến 384 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 384 đến 624 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 624 đến 960 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 960 | Trên 80 | 35 |
Chúng ta có thể học hỏi các quốc gia trên thế giới để điều chỉnh biểu thuế cho phù hợp với tình hình nước ta hiện nay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cơ cấu biểu thuế có thể sẽ có những ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nên cần xem xét kỹ lưỡng và sửa đổi phù hợp.
Câu hỏi 4: Dưới góc nhìn của ông trong bối cảnh hiện tại, chúng ta nên sửa đổi như thế nào?
Trả lời:
Thứ nhất, Theo khoản 2 Điều 22 của Luật Thuế TNCN 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012), biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Việc quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần thành 07 bậc rất phức tạp, rắc rối. Do đó, cần điều chỉnh Biểu thuế xuống còn 3-5 bậc. Việc sửa đổi Biểu thuế thu nhập cá nhân cần được nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng và phù hợp vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Thứ hai, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên mức phù hợp (có thể là từ mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay lên mức 20 triệu đồng/tháng) do thời gian qua vật giá tăng quá nhanh nên mức 11 triệu đồng/tháng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nữa. Song song đó, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên tương ứng bằng 40% mức giảm trừ của người lao động.
Bên cạnh đó, cũng cần đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.
Ngoài ra, cần cân nhắc việc bổ sung các hạng mục khấu trừ trong thu nhập tính thuế để tránh triệt tiêu sức lao động của người nộp thuế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời khuyến khích chia sẻ chi phí với ngân sách nhà nước cho y tế, giáo dục, bảo hiểm của người lao động.