Thực trạng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua dịch vụ chuyển phát nhanh dưới góc độ pháp lý

Nội dung bài viết

Gần đây, không ít vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua dịch vụ chuyển phát nhanh đã bị phát hiện và xử lý. Những hành vi vi phạm này không chỉ tác động tiêu cực đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?... Những thắc mắc trên sẽ được Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp trong bài phỏng vấn dưới đây. SB Law trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn:

Phóng viên: Thưa Luật sư, ông có suy nghĩ gì về các vụ việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua dịch vụ chuyển phát nhanh thời gian gần đây?

Luật sư Hà:

Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát triển (đặc biệt sau đợt dịch bệnh covid 19 vừa rồi), kéo theo đó là sự gia tăng các dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Với ưu điểm là chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh, nhiều đối tượng đã lợi dụng loại dịch vụ này như một phương thức để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm.

Các vụ việc vi phạm được phát hiện liên tiếp gần đây cho thấy đây là “thủ đoạn” kinh doanh trái phép mới nhưng vô cùng tinh vi, khó phát hiện bởi việc gửi hàng hóa thương mại điện tử không cho phép người tiếp nhận tự ý kiểm tra hàng hóa. Với thực tế trên, đòi hỏi quy trình quản lý, thanh tra chặt chẽ, sát sao từ cơ quan chức năng.

Phóng viên: Mặt hàng nhỏ, gọn được cất giấu tinh vi, khó phát hiện đã đành; đằng này, bọn chúng còn dùng chuyển phát nhanh để vận chuyển cả thuốc lá lậu hay ma tuý, thậm chí là vũ khí. Một câu hỏi đặt ra trong vụ án này là thuốc lá là mặt hàng dễ bị phát hiện và các nhân viên bưu điện chắc chắn biết rằng đó là mặt hàng cấm. Vậy theo ông, vì sao số hàng này vẫn có thể dễ dàng lọt qua việc thẩm định của các nhân viên?

Luật sư Hà:

Trước tiên, cần lưu ý rằng khi gửi hàng hóa thương mại điện tử, người tiếp nhận không được phép tự ý mở ra xem, đặc biệt đối với các hàng hóa xuyên biên giới nên việc phát hiện ra hàng lậu, hàng cấm khi các đối tượng cố tình dùng nhiều thủ đoạn che giấu là tương đối khó khăn.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ các trường hợp mà chính công ty bưu chính tiếp tay, che giấu cho các hành vi kinh doanh trái phép này. Thực tế ghi nhận một số doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu vi phạm khi chấp nhận vận chuyển hàng giả, hàng cấm. Dù biết rằng hàng hóa mà mình vận chuyển là hàng cấm nhưng nhân viên vẫn đồng ý chuyển đi.

Bên cạnh đó, ở một số doanh nghiệp còn có sự chủ quan trong quá trình thẩm định, khách hàng ghi thông tin như nào thì mặc định là như thế, không có sự đối chiếu, kiểm tra lại.

Phóng viên: Luật Bưu chính quy định những vật phẩm, hàng hoá gì không được gửi, vận chuyển qua mạng bưu chính, thưa ông?

Luật sư Hà:

Điều 12 Luật Bưu chính năm 2010 quy định những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, vận chuyển bao gồm:

  • Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông như vũ khí quân dụng, ma túy, các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan; …
  • Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;
  • Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu;
  • Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hiện nay, chúng ta đã tham gia vào Công ước Bưu chính thế giới. Trong đó, Điều 25 Công ước quy định về các bưu gửi bị cấm, không được chấp nhận như: các chất ma túy và kích thích thần kinh; các chất dễ gây cháy, nổ; …

Phóng viên: Sẵn sàng bỏ qua các quy định tối thiểu, không yêu cầu người gửi khai báo rõ tên, tuổi địa chỉ; trong trường hợp hàng cấm, nếu bị phát hiện, sẽ rất khó cho các cơ quan chức năng trong việc tìm ra đối tượng gửi và người nhận hàng đúng không, thưa ông?

Luật sư Hà:

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm hiện nay rất tinh vi. Trên thực tế, các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển ma túy qua đường chuyển phát nhanh, thông tin về địa chỉ của người gửi và người nhận đều ghi địa chỉ giả, và thậm chí không có người nhận theo vận đơn.

Hiện nay, các dịch vụ chuyển phát nhanh ngày càng trở nên thuận tiện, các đối tượng tội phạm sử dụng thủ đoạn liên hệ mua bán ma túy và thanh toán tiền qua mạng xã hội, có thể dễ dàng theo dõi được thời gian vận chuyển và thông quan hàng hóa của cơ quan chức năng để trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. Khi theo dõi hàng không được thông quan theo thời gian như các lô hàng thông thường, các đối tượng đã bỏ hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay có xuất hiện loại hình dịch vụ chuyển phát COD – phát hàng thu tiền hộ, được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng online sử dụng rộng rãi. Trong trường hợp này, người thực hiện việc vận chuyển hàng chủ yếu là shipper nên việc kiểm soát của lực lượng chức năng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc thu thập thông tin về đường dây vận chuyển mua bán ma túy còn gặp nhiều khó khăn, khi bắt giữ không có điều kiện làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm, không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài.

Phóng viên: Theo ông, về luật, chúng ta đã đủ các quy định, chế tài mạnh để xử phạt, răn đe các công ty chuyển phát nhanh vận chuyển hàng cấm, hàng lậu chưa?

Luật sư Hà:

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì công ty chuyển phát nhanh có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chấp nhận gửi những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, với nhịp độ chóng mặt của hoạt động chuyển phát nhanh cùng với những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong việc cất giấu, ngụy trang ma túy thì cần phải được xử lý bằng hình sự đối với những đối tượng liên quan đến hoạt động chuyển phát nhanh, chứ không thể chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính là xong.

Phóng viên: Thưa Luật sư, không ít shipper và phụ huynh học sinh bày tỏ sự lo lắng khi bản thân hay con cái họ có thể vô tình trở thành người vận chuyển, sử dụng hàng cấm, hàng lậu. Vậy có quy định pháp luật cụ thể nào điều chỉnh vấn đề này không?

Luật sư Hà:

Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm tại Điều 191, và tội vận chuyển trái phép chất ma túy tại Điều 250.

Tuy nhiên, những tội này đều có dấu hiệu tội phạm là lỗi cố ý, tức là chủ thể thực hiện hành vi phải có ý thức về hành vi của mình là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ý thức được về việc mình đang tàng trữ hoặc vận chuyển hàng cấm, chất ma túy.

Chính vì vậy, nếu chủ thể thật sự “vô tình” không biết thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh này.

Phóng viên: Trở lại với việc quản lý dịch vụ chuyển phát nhanh, vận chuyển bằng đường chuyển phát nhanh có chi phí rẻ và thời gian giao nhận hàng nhanh là một đặc điểm để các đối tượng phạm tội lợi dụng. Phải chăng, các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý với các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh thời gian qua?

Luật sư Hà:

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn nạn buôn lậu qua dịch vụ bưu chính, theo tôi các cơ quan chức năng đã theo dõi sát sao, quyết liệt vào cuộc, siết chặt quản lý với các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh trong thời gian qua.

Về cơ chế, nhiều chính sách liên tục ban hành, sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi gỡ rối chồng chéo cho các luật hiện hành trước đó đồng thời hướng dẫn biện pháp ngăn ngừa tình trạng cho các bộ ban ngành liên quan và các doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể là, ngày 25/6/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 95/CT-BTTTT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; đầu năm nay Nhà nước đã tổ chức dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013 quản lý về thương mại điện tử;…

Về thực hiện, Phòng Cảnh sát ở các địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh và phòng ngừa với tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính (Ví dụ, tại Hà Nội là kế hoạch 422 triển khai tại địa bàn Hà Nội); các Đội Quản lý thị trường nhanh chóng vào cuộc kiểm tra hàng hoá tại các đơn vị vận chuyển; kiểm tra giấy phép hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận chuyển tránh tình trạng hoạt động trôi nổi tự pháp hoặc giấy phép hết hạn mà doanh nghiệp vẫn hoạt động.

Điều đáng nói, tính chất chi phí rẻ, thời gian giao nhận hàng nhanh, thậm chí làm hoạt động chui ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh chỉ là một lý do mà ở đây cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được và thực tế đang làm như vậy. Tuy nhiên, rất khó để xác định được việc các công ty vận chuyển tham gia lót tay cho tội phạm, theo Luật Bưu chính 2010, đơn vị vận chuyển không phải chịu trách nhiệm, người gửi phải chịu trách nhiệm. Do vậy, mấu chốt trong việc đấu tranh vẫn là phải bắt được tội phạm (người gửi hàng, người nhận hàng) khi việc phạm pháp được tiến hành.

Để nâng cao hiệu quả đối phó với loại hình tội phạm này, chỉ riêng cơ quan chức năng quyết liệt thôi chưa đủ, mà cần phải sự chủ động phối hợp của các doanh nghiệp. Như vậy thì cuộc chiến cam go này mới có thể chuyển biến và ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập vào Việt Nam.

Phóng viên: Chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính lại phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy một kẽ hở là các phương tiện, công cụ soi chiếu còn chưa được đầu tư, chú trọng trong khi nhân viên của dịch vụ này lại phần lớn là những lao động phổ thông. Ông có đồng tình với đánh giá này?

Luật sư Hà:

Hiện nay, chưa có cơ chế hay quy định pháp lý cho phương tiện, công cụ soi chiếu và tiêu chuẩn của nhân viên giao hàng tại các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh.

Đối chiếu với dịch vụ vận chuyển hàng không, có thể thấy phương tiện và các dụng cụ soi chiếu X-ray đã giảm gánh nặng rất lớn trong việc giám sát, kiểm tra, phát hiện kịp thời hàng cấm trong vận chuyển từ đó tiến hành điều tra hiệu quả. Tuy vậy, việc đầu tư công cụ so chiếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển là một sự đầu tư khá cao, tốn thêm thời gian trong quá trình nhận gửi hàng ngược lại tính chất vận chuyển vốn chi phí rẻ, thời gian phải nhanh. Đây là một điều kiện đủ nhưng cần thiết thì chưa chắc đến vậy. Tuy nhiên vẫn cần phải yêu cầu các công ty vận chuyển cần trang bị kỹ thuật, điều kiện giám sát, an ninh, kiểm tra hoạt động vận chuyển (ghi rõ thông tin người nhận-người gửi, chụp ảnh xác minh người gửi/người nhận hoặc người liên quan, quản lý hành trình AI, ...)

Liên quan đến vấn đề người giao hàng (shipper), đặc thù ngành bưu chính là sử dụng phần lớn lao động phổ thông. Nhân viên chỉ cần học hết lớp 12 là có thể xin được việc làm. Việc nhận thức của họ nhiều khi chỉ dừng lại ở việc giao nhận hàng hoá đúng quy trình và quy định mà không quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính còn hạn chế. Trong khi đó, hành vi của tội phạm ngày càng tinh vi hơn: sử dụng địa chỉ giả, tên giả trên mạng xã hội, gói hàng hoá kĩ lưỡng, cẩn thận; ...

Việc nhân viên chủ quan không kiểm tra tình trạng gói hàng hay thông tin đơn hàng là điều hoàn toàn xảy ra, thậm chí thường xuyên. Nguy hiểm hơn, họ có thể nhẹ dạ mà dễ dàng tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi chỉ vì thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết.

Việc nâng cao trình độ của nhân viên giao hàng thông qua tuyên truyền, đào tạo, phổ biết kiến thức về an ninh, an toàn hoạt động bưu chính là một nội dung hết sức cần thiết cần được thực hiện bởi cơ quan chức năng và các doanh nghiệp vận chuyển.

Tiếp theo là câu hỏi của các khán thính giả theo dõi chương trình:

1. Tôi thấy giờ có khá nhiều đơn vị, công ty làm dịch vụ giao hàng, vận chuyển hàng hóa nhanh đi các tỉnh và ra cả nước ngoài. Các công ty này chịu sự giám sát, quản lý của những đơn vị nào? (Nguyễn Minh, Thanh Trì, HN)

Luật sư Hà:

Căn cứ theo các quy định điều chỉnh, hoạt động của các đơn vị làm dịch vụ giao hàng, vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài chịu sự giám sát và quản lý của các Sở ban ngành Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông… từ khâu đăng ký, điều kiện hoạt động.

Cơ quan cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy; cơ quan An ninh hàng không, cơ quan Hải quan các tỉnh thành phố và cơ quan quản lý thị trường thì quản lý các đơn vị này khi tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh hoặc ra nước ngoài.

2. Tôi thấy nhiều vụ, vì không biết, vô tình mang hộ hành lý là ma túy còn bị đi tù thì những vụ do nhân viên, công ty chuyển phát nhanh cẩu thả, không biết ma túy mà vẫn nhận vận chuyển thì sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật (Đỗ Hòa - Từ Liêm, Hà Nội)?

Luật sư Hà:

Người giao hàng vì không biết mà vô tình mang hộ hành lý chứa ma túy sẽ bị cơ quan công an tiến hành xác minh, lấy lời khai và điều tra. Căn cứ vào tiến trình điều tra, người vận chuyển phải chứng minh hoàn toàn không biết về số hàng cấm đã vận chuyển và chỉ đơn thuần là người vận chuyển theo yêu cầu của người khác.

Xét theo các yếu tố cấu thành tội phạm của tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ quan là lỗi “cố ý”, vận chuyển khi không biết rõ mục đích của người khác là mua bán trái phép chất ma túy thì người giao hàng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra cho thấy có liên quan đến việc giao nhận hàng cấm hoặc không có chứng cứ cho thấy là không biết về việc có hàng cấm thì người vận chuyển có thể sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự 2015 về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy:

“Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…”

Đối với các đơn vị/công ty cung cấp dịch vụ chuyển hàng, giao hàng nhanh khi nhận hàng hóa ký gửi cần tuân thủ những quy định tại Luật bưu chính 2010. Khoản 1 Điều 12 Luật này quy định về những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp thuận vận chuyển qua bưu chính trong đó gồm có:

“Vật phẩm, hàng hóa mà Pháp luật của Việt Nam cấm lưu thông”

Trong cuộc chiến chống buôn lậu hàng cấm thì ma túy là trọng điểm, việc vận chuyển trái phép loại hàng hóa này có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

Để tránh việc tội phạm lợi dụng hoạt động, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các công ty cần chủ động cần phải trang bị các thiết bị soi chiếu hàng hóa; tăng cường tính nghiêm ngặt trong khâu kiểm tra hàng hóa…và cần báo ngay cho cơ quan công an để làm rõ nếu phát hiện nghi vấn.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan