THỰC TRẠNG QUYỀN CÁ NHÂN ĐỐI VỚI HÌNH ẢNH

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã tham gia cuộc phỏng vấn, trả lời các câu hỏi liên quan đến thực trạng xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh hiện nay. SB Law xin trân trọng gửi đến độc giả nội dung cuộc phỏng vấn như sau:

Câu hỏi: Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định như thế nào về việc quyền của cá nhân đối với hình ảnh? Luật sư thấy những quy định hiện tại đã đầy đủ, thống nhất chưa hay còn bất cập ở nội dung nào?

Trả lời:

Hiện nay, Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trên các phương diện như sau:

Thứ nhất, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và khi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thứ hai, việc sử dụng hình ảnh thuộc một trong các trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

  • Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
  • Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Thứ ba, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, mặc dù chưa có một quy định nào đưa ra định nghĩa cụ thể và chính xác về khái niệm thế nào quyền nhân thân đối với hình ảnh nhưng thông qua nội dung của Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có thể hiểu đó là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân được pháp luật quy định và bảo vệ, liên quan đến việc sử dụng và cho phép sử dụng hình ảnh của chính cá nhân đó.

Liên quan đến bất cập của quy định hiện hành, theo Điều 32, thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là khi sử dụng hình ảnh của cá nhân không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ít công cộng hoặc hoạt động công cộng khác.

Qua nghiên cứu các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn chưa có quy định cụ thể nào khái niệm rõ thế nào là sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hoạt động công cộng khác. Từ đó, khi xảy ra tranh chấp thì rất khó để xác định có hành vi xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh hay không.

Hơn nữa, khi xảy ra sự việc xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân thì việc xác định thù lao để trả cho người có hình ảnh hiện nay cũng chưa có một văn bản nào quy định cụ thể, do đó, nếu có tranh chấp về mức thù lao mà các bên không thỏa thuận được cũng là một khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết.

Câu hỏi: Tại sao những trường hợp nạn nhân bị đe dọa tung ảnh nóng trong thời gian gần đây xảy ra ngày càng nhiều? Là do góc độ xã hội nạn nhân hoặc người vi phạm chưa nhận thức được hay do pháp luật quy định còn chưa nghiêm?

Trả lời:

Có thể nói, do thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, các đối tượng sử dụng công nghệ một cách tinh vi, tất cả hình ảnh, thông tin cá nhân nhạy cảm đều có khả năng bị phát tán trên không gian mạng một cách nhanh chóng bất chấp có sự đồng ý của cá nhân sở hữu hình ảnh đó hay không, vì vậy, những trường hợp nạn nhân bị đe dọa tung ảnh nóng vẫn đang ngày một diễn biến nhiều hơn và chưa có dấu hiệu thuyên giảm là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, cộng với tâm lý sợ bị phát tán ảnh nóng, sợ bị trả thù của một số bộ phận các nạn nhân nên họ đã không dám thông báo với cơ quan chức năng để truy vết và xử lý người phạm tội, do đó, vô hình chung đã tiếp tay cho những hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội kể trên có cơ hội tiếp diễn.

Còn đối với các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, thì hiện nay việc phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân nhạy cảm đều có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt vi phạm hành chính:

Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có quy định về Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau:

“[...] 3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

..............

  1. g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;...”.

Như vậy, người có hành vi tung ảnh nóng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Thứ hai, về xử lý hình sự:

Nếu hành vi của người này xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân thì người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp mà người đe dọa tung ảnh nóng nạn nhân có mục đích “đòi” tiền thì có thể bị khởi tố với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, hành vi tung ảnh nóng còn là hành vi "phát tán văn hóa phẩm đồi trụy", do đó, đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Như vậy, pháp luật hiện hành vẫn là công cụ hữu ích để xử lý và răn đe các đối tượng vi phạm, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn nên có những điều chỉnh hợp lý để ngăn chặn triệt để hơn các hành vi này trong tương lai.

Câu hỏi: Luật sư có những kiến nghị gì để hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay nhằm ngăn chặn hành vi đe dọa tung ảnh nóng này?

Trả lời:

Để ngăn chặn tình trạng trên, trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng mức phạt tiền của cả biện pháp hành chính lẫn hình sự bởi lẽ việc xử phạt không chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả mà còn để răn đe, giáo dục cho những trường hợp khác. Những cá nhân mà có ý định đe dọa tung ảnh nóng có thể nhìn thấy những “tấm gương” bị xử phạt mà cân nhắc lại hành vi của mình.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác an ninh mạng để có thể nhanh chóng loại bỏ các hình ảnh cá nhân, hình ảnh riêng tư được đăng lên mạng mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu.

Ngoài ra, các cá nhân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật cho bản thân để có các biện pháp ứng phó kịp thời khi có trường hợp xấu xảy ra. Nếu bị đe dọa tung ảnh nóng, cá nhân có thể đến trình báo công an địa phương để có các giải quyết phù hợp nhất.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan