Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về thực trạng gian lận thương mại đối với các loại hàng hóa của Việt Nam hiện nay. Dưới đây là nội dung chi tiết:
- Đánh giá của ông về thực trạng gian lận thương mại đối với các loại hàng hóa của VN hiện nay?
Luật sư trả lời:
Gian lận thương mại là hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính. Mục đích của hành vi gian lận thương mại là nhằm thu lợi bất chính do thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, dối trá. Chủ thể tham gia hành vi gian lận thương mại bao gồm: người mua, người bán, hoặc cả người mua và người bán thông qua đối tượng là hàng hóa.
Hiện nay, tình trạng gian lận thương mại diễn ra trên các tuyến, địa bàn cả nước ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn hoạt động rất tinh vi nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Gian lận thương mại nổi lên với các hành vi: Trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp chủ yếu là kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng đầu ra của các công trình xây dựng đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành; xác định không chính xác mức giảm trừ cho bản thân và giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Tình trạng vi phạm trong niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương.
2. Vì sao lại có thực trạng trên?
Luật sư trả lời:
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương điến địa phương thực hiện phòng chống gian lận thương mại, 6 tháng đầu năm 2017 đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Những nỗ lực để đạt được các kết quả trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên kết quả đó còn chưa tương xứng với tình hình thực tế gian lận thương mại và hàng giả còn diễn ra nhiều nơi.
Nguyên nhân tình trạng này là do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển, tốc độ phát triển ngày càng cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đi liền với đó là, xuất hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không đúng đắn, lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước để trục lợi.
Đặc biệt, cơ chế chính sách pháp luật còn tạo kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng như: Quy định về chứng từ hóa đơn, giám định hàng hóa, …
Công tác phối hợp giữa các lực lượng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc xử lý trách nhiệm cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra gian lận thương mại phức tạp, kéo dài còn chưa được xử lý triệt để.
Lực lượng chống gian lận thương mại còn mỏng, trang thiết bị thiếu; một bộ phận cán bộ, công chức, chiến sỹ thiếu tinh thần trách nhiệm, tha hóa, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm công tác phòng chống gian lận thương mại thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc.
3. Theo ông, người tiêu dùng cần phải trang bị những kiến thức nào để không trở nạn nhân của gian lận thương mại?
Luật sư trả lời:
Có thể khẳng định rằng, người tiêu dùng hiện nay đã chú trọng hơn đến chất lượng và thương hiệu hàng hóa, thay vì chỉ quan tâm đến giá cả như trước đây Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở nông thôn ít biết hoặc không quan tâm về những quy định của luật. Mặc dù hằng ngày chúng ta luôn phải đối mặt với rất nhiều hành vi vi phạm đến quyền lợi của bản thân từ các nhà sản xuất, phân phối như: bán hàng hóa kém chất lượng, thực hiện khuyến mãi không trung thực, né tránh chế độ bảo hành…; thế nhưng, nhiều người vẫn không hề hay biết hoặc làm lơ, tặc lưỡi cho qua coi đó là chuyện nhỏ.
Thói quen mua sắm của đa số người dân trên địa bàn tỉnh hiện nay là xem hàng, thanh toán tiền rồi nhận hàng mà ít khi nào quan tâm đến việc lấy hóa đơn hay viết giấy bảo hành. Do vậy, khi gặp phải những vấn đề như mua phải hàng không đảm bảo chất lượng hay hàng hoá bị trục trặc thì rất khó được bảo vệ. Đa phần người dân chỉ phản ánh, thương lượng với các cơ sở bán hàng, còn việc có cho đổi, trả hay sửa chữa, bảo hành hay không lại thì tuỳ thuộc vào uy tín, lương tâm trách nhiệm của bên bán hàng chứ người tiêu dùng không có cơ sở nào để bắt buộc bên bán phải thực hiện nghĩa vụ. Thói quen dễ dãi trong tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân là cơ sở để người kinh doanh lợi dụng, né tránh trách nhiệm.
Do đó, thiết nghĩ mỗi người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái”, bản thân mỗi người phải tự trang bị những kiến thức nhất định khi mua hàng như các kiến thức, thông tin để phân biệt các loại hàng nhái, hàng kém chất lượng; nắm vững pháp luật để chủ động trong việc đấu tranh, tố cáo các hành vi gian lận và kiên quyết “nói không” với hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh trở thành nạn nhân của gian lận thương mại.
4. Khi gặp vấn đề về gian lận thương mại thì DN và người tiêu dùng nên xử lý thế nào?
Luật sư trả lời:
Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có quy định các quyền cơ bản của người tiêu dùng, trong đó có quy định quyền:
“6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo đó, khi gặp vấn đề về gian lận thương mại thì người tiêu dùng có thể iên hệ tới các cơ quan hoặc tổ chức dưới đây để đề nghị hỗ trợ, giải quyết: tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; các hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; UBND các cấp (chủ yếu là cấp xã và cấp huyện); trọng tài và tòa án…Trong đó, cơ chế khiếu kiện ra tòa án là công cụ hữu hiệu nhất cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cho phép người tiêu dùng và các tổ chức xã hội (dân sự) thay mặt người tiêu dùng khởi kiện tại tòa án. Phương thức giải quyết bằng tòa án phải tuân theo các quy định tố tụng của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
5. Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể hoặc là những chế tài như thế nào đối với lĩnh vực thương mại để giảm bớt vấn nạn gian lận?
Luật sư trả lời:
Để giảm bớt vấn nạn gian lận thương mại, thiết nghĩ trước hết cơ quan có thẩm quyền cần chủ động rà soát, phân loại, đề xuất kiến nghị xử lý nhanh, kịp thời các văn bản còn bất cập, sơ hở đang bị các đối tượng lợi dụng để vi phạm; tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…
- Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho gian lận thương mại, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin trong nhân dân.
- Đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến công tác chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến thường xuyên các mặt nguy hại của gian lận thương mại rộng rãi trong nhân dân và tầng lớp cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống gian lận thương mại.