Thừa kế - lĩnh vực thường phát sinh tranh chấp, khiếu kiện

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Chương trình Bạn và Pháp luật về vấn đề thừa kế. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà! Chế định về thừa kế của Bộ luật dân sự năm 2015 được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ khắc phục được những bất cập của luạt cũ năm 2005. Vậy những điểm mới của Bộ luật này là gì?

Luật sư trả lời:

Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Các chế định về vấn đề thừa kế do Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Bộ Luật dân sự năm 1995, Bộ Luật dân sự năm 2005 luôn là một trong những các vấn đề gây tranh cãi do xung đột quyền lợi giữa các bên tham gia quan hệ luôn là đề tài nóng của pháp luật khi xử lý, giải quyết các tranh chấp phát sinh của các bên tham gia tố tụng.

Sau thời gian góp ý, xây dựng luật, ngày 24 tháng 11 năm 2015 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Bộ luật dân sự năm 2015 để thay thế Bộ Luật dân sự năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Nhìn chung, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định tương đối cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về chế định thừa kế và có một số điểm mới sau:

Thứ nhất: Quyền thừa kế (Điều 609 BLDS 2015)

Trong BLDS 2005 chỉ quy định cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tuy nhiên, đến BLDS 2015 đã có sự thay khi có thêm cả quy định người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Thứ hai: Quyền quản lý di sản (Điều 618 BLDS 2015)

Ngoài các quyền của người quản lý di sản được quy định tại BLDS 2005, BLDS 2015 còn bổ sung thêm một số quyền khác:

– Người quản lí di sản được hưởng thêm tiền thanh toán chi phí bảo quản di sản

– Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.

Thứ ba: Thời hiệu thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015)

Ngoài các quy định về thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác và thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết, thì BLDS 2015 còn quy định thêm thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

Thứ tư: Từ chối nhận di sản (Điều 620 BLDS 2015)

Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ quy định từ chối nhận di sản thừa kế sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Thay vào đó là quy định linh hoạt hơn về thời gian từ chối nhận thừa kế đó là “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Thứ năm: Hình thức của di chúc, nội dung di chúc

– Hình thức di chúc, theo Điều 169, BLDS 2005 thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng.

Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình. Tuy nhiên, Điều 627 BLDS 2015 đã lược bỏ đi quy định người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

– Nội dung của di chúc: Điều 631 BLDS 2015 còn được bổ sung thêm quy định “Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.

– Ngoài ra, di chúc bằng văn bản có người làm chứng được bổ sung thêm quy định cho phép đánh máy để phù hợp với thực tế hiện nay (Điều 634 BLDS 2015).

Thứ sáu: Thứ tự ưu tiên thanh toán

Bộ luật dân sự 2015 đã quy định lại thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

  1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
  2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
  3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
  4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
  5. Tiền công lao động.
  6. Tiền bồi thường thiệt hại.
  7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
  8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
  9. Tiền phạt.
  10. Các chi phí khác.

Thứ bảy: Hạn chế phân chia di sản (Điều 661 BLDS 2015)

Theo BLDS 2015 thì trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Câu 2: Trong Bộ luật mới này đã mở rộng đến các đối tượng thừa kế! Vậy ở đây cụ thể là gì thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền thừa kế như sau:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Như vậy, đối tượng được hưởng thừa kế trong BLDS 2015 ngoài cá nhân thì quyền được hưởng thừa kế theo di chúc còn được đặt ra cả với cơ quan, tổ chức, …- không phải là cá nhân. Trong BLDS năm 2005 có quy định gián tiếp về người thừa kế có cả cơ quan, tổ chức: “…Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế” (Điều 635).

BLDS năm 2015 đã quy định rõ và cụ thể hơn về quyền được hưởng thừa kế của cơ quan, tổ chức.

Câu 3: Trong bộ luật 2015 có rất nhiều điểm mới nhưng trong đó điểm mới nhất là thời hiệu thừa kế. Qui định này đã khắc phục được những bất cập trong luật cũ, giảm đi được nhiều vấn đề tranh chấp, vậy ông đánh giá như thế nào tính ưu việt của bộ luật mới này?

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 623 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Như vậy, so với quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với bất động sản được kéo dài hơn. Nếu như Bộ luật hiện hành thì thời hiệu yêu cầu chia di sản không phân biệt động sản hay bất động sản là 10 năm thì trong Bộ luật mới lần này đã phân chia thời hiệu yêu cầu chia di sản riêng với từng loại tài sản.

Điều này đã khắc phục được sự không phù hợp khi theo quy định tại Điều 247 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với động sản là 10 năm, đối với bất động sản là 30 năm. Trong khi tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm.

Quy định trên vừa tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, vừa nhằm khai thác triệt để công dụng của tài sản.

Nói chung, tôi đánh giá rất cao BLDS năm 2015. BLDS đã có nhiều đột phá quan trọng, góp phần triển khai thi hành các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Câu 4: Thưa luật sư! Chúng ta đã trao đổi về những di sản và tài sản để lại! Trong bộ luật mới về thừa kế có qui định: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật, luật sư có thể cho biết rõ hơn về qui định này?

Luật sư trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 trường hợp thừa kế đó là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Cụ thể:

  1. Khái niệm các loại thừa kế

-Thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

- Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

  1. Về người được thừa kế

- Thừa kế theo di chúc: tất cả các các nhân, tổ chức có tên trong di chúc và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Pháp luật trọng ý chí của người lập di chúc. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên; con đã thành niên mà không có khả năng lao động nếu không có tên trong di chúc thì vẫn được hưởng một phần di sản tối thiểu bằng 2/3 một suất thừa kế.

- Thừa kế theo pháp luật: thứ tự được quy định như sau:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi của người chết.

+ Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị em, ruột của người đã chết, cháu ruột của người đã chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

+ Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người đã chết; bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người đã chết; chắt ruột của người đã chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại

  1. Trường hợp được thừa kế

-Thừa kế theo di chúc: theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân khi lập di chúc, cá nhân được hưởng thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế, cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế phải đang hoạt động vào thời điểm mở thừa kế; những người thuộc diện đương nhiên nhận thừa kế: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

- Thừa kế theo pháp luật gồm những trường hợp:

+ Không có di chúc

+ Di chúc không hợp pháp

+ Những người thừa kế đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế

+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

+Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Thứ tự áp dụng: thừa kế theo di chúc được ưu tiên áp dụng trước. Thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi rơi vào các trường hợp như phân tích ở trên.

4. Thừa kế thế vị

-Thừa kế theo di chúc: không có thừa kế thế vị

- Thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Câu 5: Thông thường người được quyền thừa kế di sản, tài sản để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật, nhưng họ không hiểu là họ còn có trách nhiệm trong thừa hưởng tài sản, ví dụ như tài sản đó có thể còn nợ nần nhiều hơn là tài sản hiện đang có? Có khi nào mà người được thừa kế họ từ chối nhận tài sản không thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Đối với việc từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ tài sản của bản thân mình với người khác thì tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 pháp luật cũng nghiêm cấm điều này.

Nếu người thừa kế này đã từ bỏ quyền thừa kế của mình hợp pháp theo quy định của pháp luật, thì phần tài sản bị từ chối đó sẽ được đem chia theo pháp luật cho những đồng thừa kế còn lại. Cần lưu ý rằng, nếu đã từ chối nhận di sản thì đồng nghĩa với việc người từ chối sẽ không còn được hưởng di sản trong cả 2 hình thức thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật (người từ chối nhận di sản có quyền từ chối toàn bộ hay một phần tài sản mà mình đáng lẽ được hưởng).

Câu 6: Thưa các đồng chí, thưa các bạn! Liên quan đến lĩnh vực thừa kế di sản, tài sản thời gian qua Chuyên mục bạn và pháp luật đã nhận được nhiều đơn thư từ bạn nghe Đài. Một thính giả ở An Giang có mail: Hoangyen2301.@.com. Nội dung câu hỏi như thế này: Bố tôi qua đời đột ngột do bị tai nạn giao thông nên không có di chúc. Đề nghị Luật sư tư vấn, nếu gia đình tôi muốn chia di sản của bố tôi để lại thì chia như thế nào? Và bố tôi cũng có nhận một người con nuôi thì người này có được thừa kế di sản của bố tôi không?

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, theo nguyên tắc chung, nếu người mất có di chúc thì tài sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản của người mất sẽ được chia theo pháp luật.

Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp; …”.

Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn qua đời đột ngột do bị tai nạn giao thông nên không để lại di chúc do đó tài sản sẽ đem chia theo pháp luật.

Thứ hai, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Căn cứ quy định trên, những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật quy định những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

Như vậy, kể cả khi chỉ là con nuôi thì vẫn có quyền hưởng phần di sản thừa kế do bố mẹ nuôi để lại ngang với các con đẻ của bố mẹ nuôi. Tuy nhiên, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ được xác lập khi:

- Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi;

- Trường hợp việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế mà chưa đăng ký trước ngày 1/1/2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi thì được đăng ký kể từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi (Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi).

Câu 7: Một người có tên là Ngọc ở thành phố Thanh Hóa hỏi: Bố tôi lập di chúc chia đều tài sản của bố cho hai chị em tôi vào năm 2006. Đến năm 2016, thì bố mất. Sau khi hoàn thành thủ tục ma chay cho bố thì chị em tôi phát hiện một di chúc khác được thành lập bằng văn bản vào năm 2015 với chữ kí của bố và hai người làm chứng. Nội dung di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em trai tôi, với lý do năm 2014 em trai tôi bị tai nạn và mất khả năng lao động, còn tôi hiện nay có một công việc ổn định. Đề nghị Luật sư tư vấn, di chúc nào của bố tôi mới hợp pháp và di sản của ông được chia như thế nào?

Luật sư trả lời:

Do thời điểm bố bạn lập di chúc và qua đời là khi Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có hiệu lực nên trong trường hợp này sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005.

Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định như sau:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Điều 667 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc như sau:

“1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

2.Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây: a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.

3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, bố bạn di chúc để lại toàn bộ tài sản cho em trai anh bạn thì di sản bố bạn để lại được chia theo nội dung của di chúc. Trường hợp, có hai bản di chúc thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện theo nội dung của bản di chúc sau mà bố bạn lập năm 2015.

Câu 8: Bố tôi mất không để lại di chúc, giờ mẹ tôi muốn chia hết tài sản cho anh trai cả mà không cho tôi và em gái thứ hai. Tôi xin hỏi mẹ có quyền chia như vậy không? Chúng tôi có quyền yêu cầu tòa án phân chia số tài sản theo quy định của pháp luật không? Đây là câu hỏi của bạn Võ Hoài – Phú Thọ gửi về mail của chương trình. Xin mời luật sư trả lời giúp bạn Võ Hoài.

Luật sư trả lời:

Trong tình huống của bạn, có thể chia thành 3 trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất, nếu các tài sản mẹ bạn muốn chia cho anh trai cả là tài sản thuộc sở hữu riêng của bà. Theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Dân sự 2015, mẹ bạn có toàn quyền định đoạt đối với những tài sản này. Do đó, trong trường hợp này bạn và chị gái không có quyền khởi kiện để yêu cần phân chia tài sản.

- Trường hợp thứ hai, nếu tài sản mà mẹ bạn muốn chia là tài sản riêng của bố bạn. Việc phân chia di sản được thực hiện như sau: Do bố bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kể sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết …”. Trong trường hợp này di sản bố bạn để lại sẽ được chia đều cho hai chị em bạn, anh trai cả và mẹ bạn.

Những người được thừa kế có thể tự thỏa thuận về việc chia di sản, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

- Trường hợp thứ ba, nếu các tài sản mẹ bạn muốn chia là tài sản chung của bố mẹ bạn thì được giải quyết như sau:

Theo Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết:

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế…”.

Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp này tài sản chung của bố mẹ bạn sẽ được chia đôi, một nửa khối tài sản chung sẽ được xác định là tài sản riêng của mẹ bạn, bà có toàn quyền định đoạt phần tài sản này. Bên cạnh đó, một nửa khối tài sản chung thuộc về bố bạn sẽ được xác định là di sản thừa kế mà bố bạn để lại và cũng được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế; việc phân chia được thực hiện tương tự như trường hợp thứ hai.

Câu 9: Ba tôi mất sớm không để lại di chúc, hai chị em tôi vẫn đi học không muốn nhận quyền thừa kế để cho mẹ. Nhưng các cô tôi cho rằng nêu hai chị em tôi không nhận thì mẹ tôi cũng không được nhận. Xin hỏi như vậy có đúng không? Chúng tôi cần phải làm gì để bảo vệ tài sản của ba mẹ mình. Vâng đây là câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Danh ở Long An gửi về chương trình, mời luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời giúp.

Luật sư trả lời:

Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc từ chối nhận di sản như sau:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Trong trường hợp hai chị em bạn vẫn đi học không muốn nhận quyền thừa kế, để cho mẹ thì hai chị em bạn có thể từ chối nhận di sản, phần tài sản bị từ chối đó sẽ được đem chia theo pháp luật cho những đồng thừa kế còn lại.

Lưu ý: Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Câu 10: Bạn Nguyễn Hoàng Oanh ở Yên Bái hỏi: Hai vợ chồng bạn của tôi có hai con trai. Mới đây, người chồng bị tai nạn giao thông. Trước khi mất, đã di chúc miệng để lại toàn bộ tài sản gia đình cho con trai lớn với sự chứng kiến của nhiều người. Vậy đứa con thứ hai có được hưởng thừa kế không? Nếu được thì chia như thế nào?

Luật sư trả lời:

Khoản 5 Điều 630 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Trong trường hợp bạn của bạn, di chúc miệng của người chồng không được những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và đưa đi công chứng hoặc chứng thực. Mặt khác, người chồng đã tự ý định đoạt cả phần tài sản của người vợ nên di chúc miệng của người này không hợp pháp cả về hình thức lẫn nội dung. Do vậy phần tài sản thuộc sở hữu của người chồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chồng theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 là người vợ và hai người con đẻ.

Khi chia thừa kế, “những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau” nên phần di sản của người chồng sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau cho người vợ và hai người con.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan