Thủ tục thành lập hiệp hội ở Việt Nam

Nội dung bài viết

Thành lập hiệp hội là một trong những hoạt động thông thường, mang tính cộng đồng và nhân văn cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quý khách hàng trong vấn đề thành lập các hiệp hội, tổ chức chúng tôi xin cung cấp các thông tin sau:

Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP) quy định:

Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).

Đề thành lập hiệp hội, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất: Điều kiện thành lập hội.

+Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.

+Có điều lệ.

+Có trụ sở.

+Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội: Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

Thứ hai: Về thành lập bạn vận động thành lập hội.

Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.

Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau: Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên; Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất năm thành viên; Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất ba thành viên; Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất năm thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất ba thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.

Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.

Thứ ba: Trình tự, thủ tục thành lập hội.

Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ bao gồm:

– Đơn xin phép thành lập hội.

– Dự thảo điều lệ.

– Dự kiến phương hướng hoạt động.

– Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

– Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.

– Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.

– Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin phép thành lập hội:

– Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.

– Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội phải có giấy biên nhận. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Với bản chất hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam vì vậy, người thành lập hội phải là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Như vậy, đồng nghĩa với việc người nước ngoài sẽ không được phép thành lập hội cũng như câu lạc bộ tại Việt Nam mà chỉ là hội viên liên kết và hội viên danh dự.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan