Thủ tục nhập học cho con có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Hiện nay nhu cầu của các gia đình muốn cho con đi du học là rất lớn. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài. Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ Công ty Luật SB Law xin được gửi tới quý bạn đọc lời giải đáp cho một số thắc mắc trẻ em nước ngoài học tại Việt Nam. Dưới đây, phần nội dung này được phát trên truyền hình Netviet:

Câu 1: Gia đình chúng tôi sinh sống và làm việc tại Canada. Tôi có một cháu trai. Con tôi có quốc tịch hiện tại là Canada. Cháu sắp tốt nghiệp cấp 3 bên này và muốn về Việt Nam học đại học thì thủ tục cần như thế nào ạ?

Trả lời:

Vì trong câu hỏi bạn không nêu rõ con bạn có quốc tịch Việt Nam hay không nên chúng tôi chia ra hai trường như sau:

Trường hợp 01: Nếu con bạn có quốc tịch Việt Nam thì việc học tập tại Việt Nam, thủ tục về nước, nhập học không khác gì so với một công dân Việt Nam, một học sinh, sinh viên trong nước;

Trường hợp 02: Nếu con bạn không có quốc tịch Việt Nam, thì con bạn phải thực hiện các thủ tục và tuân thủ các điều kiện áp dụng đối với lưu học sinh học tập tại Việt Nam.

Cụ thể như sau:

Về điều kiện tiếp nhận lưu học sinh mà con bạn phải đáp ứng được quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/12/2018 quy định về quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam (“Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT”), cụ thể:

Điều kiện về học vấn, chuyên môn (Điều 4 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT):

Phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước gửi lưu học sinh là thành viên đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Bạn cần liên lạc với trường đại học tại Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Canada để hỏi về việc công nhận tương đương văn bằng tốt nghiệp cấp 3 của bạn tại Canada.

Điều kiện về sức khỏe và tuổi (Điều 5 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT):

– Phải có đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam, bạn phải kiểm tra lại sức khỏe tại cơ sở y tế do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo hoặc cơ sở phục vụ lưu học sinh của Việt Nam chỉ định.

– Tuổi: không hạn chế.

Điều kiện về ngôn ngữ (Điều 6 Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT): bạn phải đáp ứng trình độ ngôn ngữ phù hợp với chương trình đào tạo. Nếu chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì con bạn phải đạt đủ yêu cầu về tiếng Việt của chương trình, nếu không đạt đủ thì phải học dự bị tiếng Việt đến khi đạt đủ trình độ.

Con bạn cần liên lạc với cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam nơi dự kiến theo học để tham khảo hướng dẫn, yêu cầu xét tuyển người nước ngoài vào học tập tại đại học của từng trường.

Kèm theo đó con bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp thị thực để nhập cảnh vào Việt Nam và tạm trú tại Việt Nam để thực hiện việc học tập.

Câu 2: Tôi lấy chồng người Mỹ, chồng tôi có con riêng 3 tuổi, chúng tôi sống ở Việt Nam. Nay tôi muốn xin cho con của chồng đi học tại Việt Nam thì tôi cần phải làm những thủ tục gì và ở đâu?

Trả lời:

Do bạn không cung cấp thông tin về quốc tịch của cháu bé, nên cần chia làm hai trường hợp đó là:

Trường hợp 01: nếu con riêng của chồng bạn mang quốc tịch Việt Nam thì sẽ là công dân Việt Nam và được quyền nhập học như một trẻ em Việt Nam bình thường, được tham gia học tập tại các trường mầm non công lập hoặc tư thục theo nguyện vọng của bé và cha mẹ.

Trường hợp 02: nếu con riêng của chồng bạn không mang quốc tịch Việt Nam. Pháp luật Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về thủ tục, hồ sơ nhập học đối với bậc giáo dục mầm non. Thủ tục, hồ sơ nhập học cụ thể thông thường sẽ do từng cơ sở mầm non quy định. Bạn có thể trực tiếp liên lạc với trường mầm non mà bạn có nguyện vọng muốn cho cháu theo học để hỏi rõ hơn về thủ tục nhập học tại trường.

Câu 3: Con tôi hiện đang theo học lớp 2 tại Nhật Bản, tôi cũng dạy song song tiếng Việt cho cháu theo chương trình của Việt Nam. Tới đây do yêu cầu công việc, tôi sẽ chuyển về Việt Nam và thời điểm này cháu sẽ chưa tốt nghiệp lớp 2. Vậy luật sư cho tôi hỏi khi về nước tôi có thể xin chuyển thẳng vào các trường công lập để theo học học kỳ 2 của lớp 2 được không? Thủ tục để chuyển trường thế nào? Tôi cần lấy những giấy tờ gì tại Nhật?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 40 Thông tư số Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 50/2012/TT-BGDĐT) thì:

“4. Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Thủ tục thực hiện như sau:

a) Cha mẹ hoặc người đỡ đầu học sinh gửi đơn đề nghị với nhà trường;

b) Hiệu trưởng trường tiểu học tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp”.

Như vậy, con bạn đang học lớp 2 thuộc độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước có thể xin học ở trường tiểu học công lập nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Do đó, vấn đề này bạn cần liên hệ trực tiếp với nhà trường nơi mà bạn dự định cho con theo học để có thông tin và được hướng dẫn cụ thể hơn.

Nguồn: https://vi.sblaw.vn/

4/5 (2 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan