Câu hỏi: Tôi là Hường, ở Hà Nội. Hiện tại tôi muốn mở một cửa hàng trà sữa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội với quy mô nhỏ, không phải như mấy thương hiệu Ding tea hay Bobapop, ... Vậy tôi có cần đăng ký kinh doanh không và tôi cần phải đóng các loại thuế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì trong trường hợp này bạn có thể mở quán trà sữa với quy mô hộ kinh doanh cá thể. Theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì: Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Như vậy, nếu bạn muốn mở quán trà sữa thì bạn cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi bạn định mở quán.
Thứ nhất, Thủ tục đăng ký như sau:
- Đăng ký kinh doanh:
+ Nộp Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đặt địa điểm với các thông tin cơ bản của mình & nộp lệ phí đăng ký.
+ Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
+ Nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc sửa đổi, bổ sung các thông tin cần thiết nếu được yêu cầu trong vòng 03 ngày kể từ ngày nộp.
- Xin Giấy phép An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)
+ Nộp hồ sơ tại Chi cục/Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (theo mẫu);
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y công chứng);
- Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất đủ điều kiện ATVSTP (bản vẽ sơ đồ mặt bằng sản xuất kinh doanh; mô tả quy trình chế biến thực phẩm);
- Bản cam kết đảm bảo ATVSTP đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh;
- Chứng nhận sức khoẻ của người trực tiếp sản xuất kinh doanh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
- Chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn về ATVSTP cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
+ Chi cục hoặc Cục ATVSTP tổ chức đoàn thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định cơ sở. Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ và Biên bản cho Chi cục Trưởng hoặc Cục trưởng cấp Giấy chứng nhận ATVSTP;
+ Chi cục hoặc Cục ATVSTP trả Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP cho Tổ chức;
Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Thứ hai, các loại thuế, phí phải nộp:
Lệ phí môn bài theo năm: doanh thu từ 100 triệu đồng/năm mới phải nộp lệ phí môn bài.
Thuế Giá trị gia tăng (GTGT): bằng Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT(3%)
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): bằng Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN (1.5%).