Thủ tục hồi hương cho con lai

Nội dung bài viết

Hiện nay nhiều gia đình vẫn còn thắc mắc về thủ tục hồi hương cho con lai. Công ty Luật SB Law xin được gửi tới quý bạn đọc lời giải đáp cho một số câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Chồng tôi là con lai nên đã đi theo diện con lai sang Mỹ. Anh định cư tại Mỹ gần 20 năm. Nay chồng tôi muốn xin hồi hương trở về Việt Nam sinh sống. Xin hỏi, chồng tôi là con lai thì có trở ngại gì trong việc xin hồi hương không? Nếu được, thủ tục hồi hương làm như thế nào và ở đâu?

Trả lời:

Pháp luật Việt Nam hiện tại không có khái niệm về con lai, theo Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014) quy định: Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.” Con lai trong thực tế có thể hiểu là người có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam, người còn lại mang quốc tịch nước ngoài.

Hồi hương được hiểu là việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam làm thủ tục để trở về cư trú tại Việt Nam. Căn cứ Điều 2 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013, trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xét cư trú ở Việt Nam với điều kiện là còn giữ quốc tịch Việt Nam.

Trong trường hợp chồng bạn không còn giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn có thể tham khảo thêm tại Mục 3 Luật Quốc tịch Việt Nam và Mục 2 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/09/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014.

Về hồ sơ hồi hương, theo Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG ngày 03/01/2012 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/05/2009 (“Thông tư liên tịch 01”).

Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ cơ bản bao gồm các giấy tờ sau đây:

– Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch 01);

– Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

– Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có quốc tịch Việt Nam như: giấy khai sinh, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu Việt Nam.

– 03 ảnh 4×6 phông nền trắng

– Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hoặc hợp đồng cho thuê, cho ở nhờ, …

– Trường hợp bạn xin thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, bạn phải có giấy tờ chứng minh đã tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt với người đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của người đó.

Về nơi nộp hồ sơ:

Bạn có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

Câu 2: Tôi tên Ethan Tran, có quốc tịch Mỹ. Ngày xưa tôi được ghép vào gia đình người khác để đi Mỹ nên hiện dù tôi đã có quốc tịch Mỹ, hộ chiếu Mỹ tên Ethan Tran, nhưng ngày tháng năm sinh trong hộ chiếu Mỹ không giống với ngày tháng năm sinh trong khai sinh của tôi ở Việt Nam. Xin cho tôi biết phải làm gì để hồi hương cư trú dài hạn ở Việt Nam?

Trả lời:

Căn cứ Điều 2 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013, để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được về Việt Nam cư trú, bạn phải có quốc tịch Việt Nam.

  1. Trong trường hợp bạn đã đổi sang quốc tịch Mỹ, thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và Mục 2 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/09/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

c) Bản khai lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

đ) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Sau khi làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam, bạn cần đăng ký cư trú dài hạn tại Việt Nam theo thủ tục thường trú. Việc đăng ký thường trú phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 và 20 Luật cư trú 2008 sửa đổi, bổ sung 2013. Thủ tục đăng ký thường trú bao gồm:

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

  1. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

* Lưu ý: Trong trường hợp ngày tháng năm sinh trong hộ chiếu Mỹ không giống với ngày tháng năm sinh trong khai sinh ở Việt Nam, bạn cần làm thủ tục sửa đổi, bổ sung hộ chiếu nộp tại trụ sở Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự). Thủ tục sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo Thông tư số 29/2016/TT-BCA hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân Việt Nam.

Câu 3: Chồng tôi là Việt kiều Mỹ, đã sang Mỹ theo diện con lai, và đang sinh sống ở Mỹ. Nay chồng tôi muốn trở về Việt Nam định cư. Sau khi đã hồi hương về Việt Nam, chồng tôi có bị bắt buộc phải sinh sống ở Việt Nam một khoảng thời gian tối thiểu nào đó không? Nếu có thì bao lâu? Sau đó nếu chồng tôi muốn trở qua Mỹ hay đi du lịch, vì vẫn còn hộ chiếu Mỹ còn hiệu lực, thì chỉ cần mua vé máy bay là đi hay cần phải xin đăng ký xuất cảnh hoặc được phép của Bộ Ngoại giao Việt Nam?

Trả lời:

Hiện không có văn bản pháp luật quy định về điều kiện với công dân Việt Nam sau khi đã hồi hương. Vì vậy sau khi đã hồi hương về Việt Nam, chồng bạn không bị bắt buộc phải sinh sống ở Việt Nam một khoảng thời gian tối thiểu nào đó.

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015), để được xuất cảnh từ Việt Nam, công dân Việt Nam cần có các giấy tờ bao gồm:

  • Hộ chiếu quốc gia;
  • Giấy tờ khác như: Giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, giấy thông hành hồi hương, giấy thông hành, hộ chiếu thuyền viên.

Vậy chồng bạn nếu muốn đi Mỹ, ngoài hộ chiếu còn hiệu lực, cần chuẩn bị thêm các giấy tờ theo quy định trên.

Từ ngày 01/07/2020, Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho công dân Việt Nam năm 2019 sẽ có hiệu lực, trong đó điều kiện để công dân Việt Nam xuất cảnh được quy định cụ thể hơn. Theo đó, từ thời điểm tháng 07/2020, nếu muốn xuất cảnh qua Mỹ, bạn có thể tham khảo điều kiện trong Luật này.

Lưu ý: Công dân Việt Nam không thuộc các trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh và tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015).

Như vậy, nếu chồng bạn đáp ứng các điều kiện về giấy tờ và không thuộc các trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh và tạm hoãn xuất cảnh, thì được tự do xuất cảnh sau khi đã hồi hương, không cần phải xin đăng ký xuất cảnh hoặc được phép của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan