Tư vấn về thủ tục giải thể doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Câu Hỏi: Chào Luật sư, tôi muốn hỏi là: Tôi đã thành lập công ty TNHH một thành viên được khoảng 6 tháng chưa in hóa đơn, chưa có hoạt động kinh doanh nào, giờ muốn làm thủ tục tạm ngừng hoặc giải thể thì làm cách nào là hợp lý nhất? Khả năng sau này sẽ không hoạt động kinh doanh nữa ạ. Kính mong luật sư tư vấn cho tôi.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Tạm ngừng kinh doanh và giải thể doanh nghiệp đều dẫn đến việc doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh nữa. Tuy nhiên như tên gọi “tạm ngừng kinh doanh”, “giải thể” đã nêu rõ giới hạn về mặt thời gian ngừng hoạt động của hai hình thức này:

Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm thời không thực hiện hoạt động kinh doanh (bao gồm: không xuất hóa đơn, không ký kết hợp đồng hoặc thực hiện bất kỳ một giao dịch nào khác), trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian tạm ngừng doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanhtrở lại hoạt động bình thường, hoặc thực hiện thủ tục giải thể, tái cơ cấu doanh nghiệp. (Việc tạm ngừng kinh doanh được quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 57 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)

Giải thể công ty là thủ tục chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của công ty, xóa tên của công ty trong sổ đăng ký kinh doanh. Công ty chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán được toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

Vì thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

Như vậy, khi công ty bạn không còn nhu cầu tiếp tục kinh doanh nữa thì nên tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp để được đảm bảo các quyền và lợi ích của chính mình.

Mặc dù công ty của bạn chưa in hóa đơn, chưa có doanh thu cũng như hóa đơn đầu ra đầu vào hay có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào thì cũng vẫn phải thực hiện thủ tục giải thể theo đúng quy định của pháp luật như các trường hợp giải thể khác.

Với trường hợp giải thể của công ty bạn là “giải thể theo quyết định của chủ sở hữu công ty”, theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

* Trình tự, thủ tục giải thể công ty TNHH theo quyết định của chủ sở hữu công ty được quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP như sau:

  1. Thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
  2. Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp.

Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; Lý do giải thể; Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể; Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động; Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

  1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, gửi quyết định giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, niêm yết công khai quyết định giải thể tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty.
  2. Quyết toán thuế, xin chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
  3. Báo giảm và chốt sổ bảo hiểm cho người lao động của Công ty.
  4. Thanh toán các khoản nợ của Công ty (nếu có).
  5. Chủ sở hữu công ty trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.
  6. Nếu công ty sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu.
  7. Gửi đề nghị giải thể kèm theo hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của công ty. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm giấy tờ sau đây: Thông báo về giải thể doanh nghiệp; Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có); Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu hoặc giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  8. Nhận Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.

Tổng quan lại, thủ tục giải thể gồm có 4 bước cơ bản sau:

Bước 1: Đăng công bố thông tin giải thể doanh nghiệp

Bước 2: Xin đóng mã số thuế tại cơ quan thuế.

Bước 3: Trả con dấu cho cơ quan công an hoặc thực hiện hủy con dấu của công ty.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan