Thủ tục đầu tư xây dựng điện mặt trời

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi có mảnh đất 15 ha tại Đắk Nông. Trước đây trồng cây cao su nhưng nay cây đã chết, tôi muốn sử dụng mảnh đất để đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời. Xin hỏi Quý Công ty tôi có thể đầu tư xây dựng làm điện mặt trời trên mảnh đất này được không, và thủ tục sẽ cần những gì?

Luật sư tư vấn: 

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ trên thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi có thể xác định mảnh đất của bạn thuộc vào dạng đất trồng cây lâu năm, căn cứ tại Phụ lục 1 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT:

“Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm…

- Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như cây cao su, ca cao, cà phê, chè, điều, hồ tiêu, dừa, v.v;…”

Đối với loại đất trồng cây lâu năm, nếu bạn sử dụng đất đó khác với mục đích sử dụng đất đã được giao, thì việc xây dựng hệ thống điện mặt trời trên mảnh đất đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, để xây dựng công trình thì bạn phải chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Đất đai 2013.

Sau khi đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bạn cần liên hệ tới UBND huyện để xin phê duyệt dự án đầu tư điện mặt trời áp mái.

Về các thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời và các hợp đồng mua bán điện mặt trời dành cho dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà hiện nay đều đang được áp dụng theo Thông tư số 18/2020/TT-BCT, cụ thể:

  • Chủ đầu tư (bên bán điện) cần đăng ký đấu nối với bên mua điện (thường là các công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến;
  • Sau khi có ý kiến từ bên mua điện, hai bên thực hiện thỏa thuận đấu nối;
  • Tiếp theo, chủ đầu tư thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phù hợp với quy định và gửi hồ sơ đề nghị bán điện bao gồm văn bản đề nghị bán điện ( giấy đề nghị bán điện mặt trời trên mái nhà), tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ biến tần, đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có), các giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng (bản sao y);
  • Cuối cùng, các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, tiến hành chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái và đóng điện, đưa hệ thống vào vận hành.

Để thực hiện đúng thủ tục bán điện mặt trời cho EVN hoặc các bên mua điện, chủ đầu tư và đơn vị mua điện cần sử dụng hợp đồng bán điện cho EVN hoặc các bên mua điện theo mẫu quy định trong Thông tư 18 về điện mặt trời. Nội dung hợp đồng mua bán điện mặt trời mẫu cho hệ thống điện mặt trời áp mái được quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm thông tư trên.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan