Thủ tục cần thiết khi tạm ngưng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về những thủ tục cần thiết khi tạm ngưng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà các doanh nghiệp nên biết trên sóng Truyền hình Quốc Hội. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa luật sư, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch khiến nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tạm dừng hoạt động để tránh thua lỗ. Vậy khi các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì có cần làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh hay không? Theo quy định thì việc làm thủ tục này doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì so với việc không làm thủ tục? (ví dụ về thuế, phí,….theo khoản, điều của luật)

Trả lời:

(i) Về việc có bắt buộc phải thực hiện thủ tục tạm dừng kinh doanh hay không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Cũng theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp, có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 01 năm.

Nếu doanh nghiệp tự ý tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

(ii) Về lợi ích của việc đăng ký thủ tục tạm ngừng hoạt động:

Khi đã có thông báo tạm dừng kinh doanh thì doanh nghiệp không cần phải thông báo với cơ quan thuế, mà nghĩa vụ này thuộc về các cơ quan đăng ký doanh nghiệp.

Một vài lưy ý với các doanh nghiệp trong thời gian doanh nghiệp (người nộp thuế) tạm dừng hoạt động kinh doanh được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP:

“2. Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

  1. a) Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
  2. b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  3. c) Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.”

Căn cứ theo Điều 32, Điều 42 Nghị định 50/2016/NĐ-CP có quy định mức xử phạt các trường hợp tạm dừng hoạt động kinh doanh mà không nộp làm thủ tục, cụ thể như sau:

  • Đối với các doanh nghiệp: Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh: 01 - 02 triệu đồng. Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh: 02 - 03 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, trường hợp tạm ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020.

  • Đối với các hộ kinh doanh: tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký: 500 nghìn - 01 triệu đồng. Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo: 01 - 02 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký

Như vậy, trong khoảng thời gian dịch bệnh khó khăn, việc nộp hồ sơ xin tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp có nhu cầu tạm dừng kinh doanh là việc cần phải làm, vừa để tránh phải nộp những khoản phí phạt vi phạm không đáng có, vừa được hưởng một vài ưu đãi nhất định về thuế mà pháp luật đưa ra dành cho các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh.

Câu 2: Khi doanh nghiệp chọn tạm ngừng kinh doanh khác gì so với giải thể, phá sản? Lợi ích đem lại? (Phân biệt rõ giữa 2 việc)

Trả lời:

  • Tạm ngừng kinh doanh: hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm tạm ngừng kinh doanh, nhưng việc tạm ngừng kinh doanh được hiểu là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định.
  • Giải thể: Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) định nghĩa: Giải thể doanh nghiệp “là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ cho các chủ nợ”. Giải thể trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành vói các công việc chính là thanh lý tài sản và thanh toán nợ, tiến tới châm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp để rút khỏi thị trường. Như vậy, có thể hiểu: Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp hoặc chủ sở hữu doanh nghiệp chủ động thực hiện thanh lý tài sản, thanh toán các khoản nợ và xóa tên doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Phá sản: Căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Từ khái niệm đã nêu ra ở trên, ta đều có thể nhận ra điểm chung giữa giải thể cũng như là phá sản, đó là họ dừng hẳn việc kinh doanh của mình để trả nợ, hoặc do không có nhu cầu hoạt động kinh doanh nữa và doanh nghiệp đó rút ra khỏi thị trường, hoặc mất khả năng thanh toán khoản nợ và bị Toà án tuyên bố chấm dứt quyền hoạt động. Hậu quả pháp lý của giải thể và phá sản đều dẫn đến việc các doanh nghiệp đó phải phân chia tài sản còn lại cho các chủ nợ, giải quyết quyền lợi cho người làm công, chấm dứt nghĩa vụ về thuế và đặc biệt là bị thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp

Còn đối với việc tạm ngừng kinh doanh, đơn giản là doanh nghiệp đó quyết định không hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, tất cả các khoản nợ của họ, các quyền, nghĩa vụ của họ đối với chủ nợ, đối với cơ quan thuế là vẫn còn, họ vẫn cần phải giải quyết quyền lợi, tiền lương cho người làm công.

Chính vì hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp không nặng nề như việc giải thể và phá sản, đối với các doanh nghiệp muốn tránh thua lỗ trong khoảng thời gian khó khăn do dịch Covid-19 mà vẫn muốn và có khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh khi mọi thứ bình thường trở lại, thay vì đăng ký thủ tục giải thể, họ có thể nộp hồ sơ để xin tạm ngừng kinh doanh.

Câu 3: Đối với thủ tục để tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp cần làm những những gì? (nêu rõ quy định trong điều luật)?

Trả lời:

Thông tin về hồ sơ, thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh được quy định rất rõ tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:

(i) Đối với doanh nghiệp (Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP):

B1: Doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Mẫu thông báo được quy định tại Phụ lục II-21, Thông tư số 02/2019​​​​​​​/TT-BKHĐT.

B2: Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ

B3: Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

(ii) Đối với Hộ kinh doanh (Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh

B1: Hộ kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Kèm theo thông báo phải có bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh. Mẫu thông báo được quy định tại Phụ lục II-21, Thông tư số 02/2019​​​​​​​/TT-BKHĐT.

B2: Sau khi tiếp nhận thông báo, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua trang web https://dangkykinhdoanh.gov.vn/.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan