Thu thuế của người kinh doanh online theo Thông tư 40

Nội dung bài viết

Nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế của người kinh doanh online, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về việc các sàn thương mại điện tử kê khai thay, nộp thuế thay người bán trên nền tảng của họ. Vậy việc quy định như vậy có thực sự hiện quả hay là một cản trở trong sự phát triển thương mại điện tử? Trong bài phỏng vấn với báo Sài gòn đầu tư tài chính, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã giải đáp các thắc mắc trên dưới quan điểm pháp lý và ý kiến của chính luật sư. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài viết như sau:

 

1. Thưa ông, lâu nay vấn đề thu thuế người kinh doanh online nhất là kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử vẫn còn là thách thức với cơ quan thuế. Vậy với việc ra đời Thông tư 40 (trong đó quy định chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân) liệu có giúp việc thu thuế người kinh doanh online hiệu quả hơn hay không?

Trả lời:

Thông tư 40/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định về việc thu thuế người kinh doanh online là cần thiết để ngăn chặn tình trạng thất thu thuế trong bối cảnh ngành thuế ngày càng nhiều trường hợp thu nhập “khủng” nhờ kinh doanh online nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế theo Thông tư 40/2021/TT-BTC sẽ tạo nhiều rào cản làm giảm sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử. Vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, về bản chất, các sàn thương mại điện tử không phải người kinh doanh, họ chỉ là người cung cấp dịch vụ. Trách nhiệm của các sàn là phải đảm bảo được tốt dịch vụ đưa và và chịu trách nhiệm nộp thuế trên chính dịch vụ mà mình cung cấp. Do vậy, họ không là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cũng đã quy định rõ việc các sàn không có trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán.

Thứ hai, một số trường hợp sàn thương mại điện tử không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán mà chỉ đóng vai trò trung gian là nơi mua bán hàng hoá và dịch vụ như các trang Chợ tốt, Bất động sản, .... Do vậy, họ không thể kiểm soát thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.

Thứ ba, thực tế các sàn thương mại điện tử không thể kiểm soát được hết lượng giao dịch trong một ngày trên các nền tảng này. Với khoảng 35 triệu giao dịch mỗi ngày, khối lượng công việc đối với các sàn là rất lớn. Hơn nữa, các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế - dưới 100 triệu đồng một năm…

Bên cạnh đó, câu chuyện kê khai, thu thuế hộ cho cá nhân còn khiến các sàn lo ngại vì sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác định doanh thu của nhà bán, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với loại hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế cần phải nộp... Ngoài ra, việc này còn phát sinh thêm đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện nhiều khâu liên quan.

Các chi phí phát sinh liên quan đến các công việc kê khai, nộp thuế hộ này sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn. Chưa kể số lượng người bán hàng trên các sàn có độ dao động rất lớn, số lượng nhà bán hàng mới hay nhà bán hàng dịch chuyển từ sàn này qua sàn khác nhiều. Điều này cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế thay. Thực tế, quy định này chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, do vậy, chưa có mô hình vận hành để tham khảo, đại diện một sàn thương mại điện tử cho biết.

Thứ tư, dưới góc độ cạnh tranh, điều đáng lo nhất của các sàn thương mại điện tử là mất khách hàng. Để kê khai và khấu trừ thuế thì khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch.

Ở vị trí người bán, họ có thể sẽ lựa chọn chuyển sang kinh doanh trên các mạng xã hội khác hiện chưa được xem là sàn thương mại điện tử hoặc "bê hàng" trở về hình thức truyền thống (offline) cho tiện thay vì mang hàng lên sàn thương mại điện tử bán cho đắt đỏ và phức tạp.

Thứ năm, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/8/2021 tới đây bởi vậy khoảng thời gian thực hiện lộ trình không được đảm bảo. 2 tháng sau khi ban hành là khoảng thời gian quá ngắn để các sàn thương mại điện tử có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia đang sở hữu các sàn thương mại điện tử, việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam là không hề đơn giản.

 

2. Theo đánh giá của ông quy định khai thai, nộp thay tại thông tư 40 có mâu thuẫn với Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh?

Trả lời:

Điều 45 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Cá nhân kinh doanh có thể ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh).

Do đó, quy định này sẽ dẫn đến những khó khăn cho sàn thương mại điện tử khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh. Quy định trên đồng thời gây ra nhiều vướng mắc cho các sàn thương mại điện tử và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.

Không dừng lại ở đó, việc quy định trách nhiệm của sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay còn tác động tới các cơ quan thuế địa phương trong việc phân bổ nguồn thu đối với những trường hợp trụ sở của sàn và địa điểm kinh doanh của nhà bán hàng thuộc các địa phương khác nhau.

 

3. Hiện các sàn thương mại điện tử cho rằng họ chỉ cung cấp nền tảng công nghệ không phải đơn vị trả thu nhập nên không thể khai thay, nộp thay cho người bán? Điều này có đúng hay không, thưa ông? Ngoài ra việc các sàn phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân của người bán hàng có vi phạm quy định gì hay không, thưa ông?

Trả lời:

Sàn thương mại điện tử không phải là người trả tiền, nhưng lại là bên quản lý được toàn bộ doanh thu bán hàng trên sàn của cá nhân. Do vậy, họ thuộc diện khai thay, nộp thay. Hiện nay, cá nhân kinh doanh trên sàn phải gắn tài khoản ngân hàng với ví được mở trên sàn. Ví "ảo" này thể hiện được toàn bộ doanh thu của người bán, kể cả với hình thức thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản. Dù không phải đơn vị chi trả nhưng toàn bộ tiền bán hàng đều phải chạy qua ví của sàn thương mại điện tử. Các sàn này sẽ định kỳ trừ phí của người bán trên nguồn tiền đó. Tuy nhiên, từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải bố trí nguồn nhân lực, vật lực để xây dựng và duy trì công cụ theo quy định tại Thông tư này cũng là một gánh nặng không hề nhẹ.

Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan. Đây được coi là biện pháp “siết chặt” các hoạt động bán hàng qua thương mại điện tử của các cá nhân kinh doanh, bởi trước đó có không ít cá nhân có phát sinh thu nhập cao từ kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa tự giác kê khai và nộp thuế. Vậy việc các sàn phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân của người bán hàng là hợp lệ và không vi phạm quy định pháp luật.

 

4. Nhiều ý kiến cho rằng nếu áp dụng quy định này sẽ khiến sàn thương mại điện tử kém cạnh tranh hơn với các mãng xã hội như facebook khi các mạng xã hội này chưa siết chặt việc thu thuế? Ông đánh giá như thế nào về nhận định trên.

Trả lời:

Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội là những nền tảng trực tuyến có bản chất khác nhau. Các sàn thương mại điện tử ra đời nhằm phục vụ thúc đẩy việc phân phối sản phẩm, với đối tượng khách hàng của họ có thể là doanh nghiệp khổng lồ, hoạt động lâu năm đến những đối tượng khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Việc hỗ trợ phân phối sản phẩm của họ không chỉ là việc tạo một website tập trung để người bán trình bày sản phẩm của mình, để người mua có thể dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm mình cần, mà còn là việc đưa ra những giải pháp hiện đại, áp dụng công nghệ để hỗ trợ thương nhân các khâu trong việc mua bán sản phẩm như cập nhật, áp dụng đa dạng các hình thức thanh toán, cải thiện quy trình giao hàng, …

Đặc biệt trong xu hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến đối với tất cả các loại mặt hàng, người tiêu dùng càng ngày càng quan tâm đến chất lượng, uy tín của sản phẩm, sàn thương mại điện tử không chỉ giúp công khai bảo đảm cho người bán về chất lượng nếu người bán đạt đủ yêu cầu mà còn xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng ví dụ như các chính sách khiếu nại, hoàn trả hàng hoá …

Trong khi đó, các trang mạng xã hội là để nơi các cá nhân tạo mạng lưới kết nối với cộng đồng mình mong muốn, với những cá nhân, tổ chức khác … Điều này vô tình có lợi cho hoạt động mua bán: cho người bán cơ hội tạo kết nối với những khách hàng tiềm năng và có thể sử dụng chính sách quảng cáo của trang mạng xã hội đó. Tuy nhiên, mạng xã hội có thể một kênh bổ sung quan trọng để tạo hình ảnh và tạo kết nối cho người bán hàng, nhưng để tăng trưởng doanh số thì cần rất nhiều thời gian để tạo những mối khách hàng quen thuộc và tin tưởng, chưa kể việc người bán hàng qua mạng xã hội có thể dễ dàng bị giả mạo chỉ thông qua thao tác đơn giản là tạo một tài khoản gần giống.

Điều này cho thấy các trang mạng xã hội chỉ phù hợp với những đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, còn nếu muốn gia nhập thương mại điện tử một cách lâu dài, nghiêm túc, hay muốn có sự tăng trưởng nhanh chóng đối với việc kinh doanh nhỏ lẻ, người bán không thể chỉ phụ thuộc vào các trang mạng xã hội. Bởi vậy, tôi không nghĩ việc áp thuế thông qua các nền tảng thương mại điện tử sẽ khiến họ bị đánh mất khách hàng do khách hàng của họ sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế là các trang mạng xã hội.

Ngoài ra, với xu thế mua bán qua mạng xã hội diễn ra bùng nổ, cơ quan thuế cũng đang có những nghiên cứu, tìm kiếm cách thức để thực hiện thu thuế với tất cả hoạt động kinh doanh qua mạng nên dần dần chắc chắn việc kinh doanh qua mạng xã hội cũng sẽ phải nộp thuế. Nghị định 126/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan thuế được nắm thông tin về số dư cũng như chi tiết giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các cá nhân, đây là một cơ sở quan trọng để cơ quan thuế bắt đầu tiến hành truy thu thuế với những cá nhân kiếm được nhiều tiền thông qua Facebook, Youtube … nhưng từ chối kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan