Thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi: Luật sư nói gì?

Nội dung bài viết

Trong bài "Thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi: Luật sư nói gì?" đăng trên báo Lao động có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật SB Law.

Dù Cục Bản quyền tác giả đã yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMV) tạm dừng việc thu phí âm nhạc trên tivi tại phòng nghỉ khách sạn, nhưng vẫn khẳng định việc thu này là hoàn toàn đúng luật. Trong khi phía chủ khách sạn lại cho rằng đài truyền hình mới là bên phải trả khoản tiền phí này.

Báo Lao Động trao đổi với Luật sư, Thạc sĩ Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty luật SB LAW, xung quanh vấn đề này.

Những ngày qua, dư luận cho rằng việc VCPMV yêu cầu chủ khách sạn ở Đà Nẵng trả 25.000 đồng/tivi tại phòng nghỉ là “tận thu”. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

- Ở đây có một số vấn đề cần phải làm rõ trước khi trả lời câu hỏi về nội dung đang rất được dư luận quan tâm hiện nay. Thứ nhất: Các khách sạn, họ sử dụng tivi, không theo cách thông thường. Khách sạn, họ không mua tivi về, đặt trong các phòng nghỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của mình mà chính là phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Thứ hai: Đây không phải là tận thu. Tận thu trong trường hợp này là một sự suy diễn tiêu cực của những người bị ảnh hưởng bởi đề nghị của VCPMV và của những người chưa hiểu rõ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này.

Về quan điểm cá nhân, tôi thấy khá thú vị với đề nghị của VCPMV vì xét theo khía cạnh nào đó VCPMV đang cố gắng đảm bảo quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam.

Việc thu phí như vậy có đúng luật hay không, thưa luật sư?

- Theo Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ (Văn bản hợp nhất) quy định về quyền tài sản của Quyền tác giả bao gồm các quyền: a) Quyền làm tác phẩm phái sinh; b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c) Sao chép tác phẩm; d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; e) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; f) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều quyền tài sản khác nhau, trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. Theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 100/2006/NĐ-CP (văn bản hợp nhất) thì chúng ta lần lượt có định nghĩa về hai quyền tài sản trên như sau:

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng: Do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác: Là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà họ có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Như vậy VCPMV chỉ sai khi Đài truyền hình đã "mua đứt" quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (tức là mua quyền biểu diễn và được quyền bán lại quyền biểu diễn này cho tất cả những người sử dụng dịch vụ của đài truyền hình). Còn nếu Đài truyền hình không "mua đứt" thì về lý thuyết VCPMV có quyền yêu cầu bất cứ ai sử dụng tivi thanh toán tiền cho quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (trừ trường hợp sử dụng tại gia đình).

Nhiều người cho rằng, đài truyền hình mới là bên phải trả khoản phí tác quyền này, vì doanh nghiệp đã trả tiền để được sử dụng dịch vụ của nhà đài.

- Rất nhiều người nhầm lẫn về phạm vi quyền của mình theo Hợp đồng với các đài truyền hình. Tôi có thể khẳng định rằng người xem truyền hình chỉ mua dịch vụ được cung cấp từ các Đài truyền hình và Đài truyền hình không bao giờ bán quyền tác giả liên quan đến các nội dung được phát trên truyền hình, trừ khi các đài truyền hình giữ toàn quyền đối với các nội dung ấy.

Nếu các bạn không tin, các bạn có thể xem lại Hợp đồng dịch vụ truyền hình mà các bạn đã ký kết với các Đài truyền hình hoặc các nhà cung cấp dịch vụ khác hoặc các Điều khoản dịch vụ trên các kênh chính thức của các đài truyền hình để đối chiếu.

Còn việc VCPMV đưa ra mức giá thu mỗi tivi 25.000 đồng, thay vì xác định đối tượng sử dụng tác phẩm được ủy quyền. Làm như vậy có đúng không, thưa luật sư?

- Tôi không khẳng định thu mỗi tivi 25.000 đồng có đúng hay không trong trường hợp này. Vì mức phí thu là do thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ dân sự.

Và thế giới khi chưa áp dụng được công nghệ để thống kê chính xác thì đều vướng phải mấy tranh cãi: Thu bao nhiêu, sao biết số lượng mà thu, phân bổ nguồn tiền ra sao, phạm vi uỷ quyền? Chính vì vậy, một trong những cơ chế mà các nước thường phải vin vào đó là: Tính trên cơ sở của ước chừng, nghĩa là hai bên trên cơ sở tự khai của nhau để tính ra con số. Bên thu tiền tôn trọng số tự khai hợp lý của đơn vị kinh doanh thay vì đi kiểm kê thực tế, bên kinh doanh thì chấp nhận một con số thu phí hợp lý của người chủ sở hữu quyền.

Do đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm nên một trong những nguyên tắc đảm bảo sự hoạt động của việc thu phí này là: Tính minh bạch trong thu - chi, phân bổ nguồn tiền cho tác giả. Càng minh bạch sẽ càng tránh gây tranh cãi.

Nguồn: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/thu-phi-tac-quyen-am-nhac-qua-tivi-luat-su-noi-gi-668682.bld

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan