Thu nhập qua kinh doanh từ Facebook, Google lên tới hàng tỷ đồng nhưng lại không nộp thuế

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã nêu quan điểm về tình trạng thu nhập qua kinh doanh từ Facebook, Google lên tới hàng tỷ đồng nhưng lại không nộp thuế trên InfoTV. Dưới đây là nọi dung chi tiết:

1/ Thưa Luật sư, mới đây, vụ việc 2 cá nhân ở TP HCM và Quảng Nam có thu nhập qua kinh doanh từ FB, GG lên tới hàng tỷ đồng nhưng lại không nộp thuế gây xôn xao dư luận. Đánh giá của LS về vụ việc này?

Trả lời:

Theo quy định thì cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai nộp thuế trong hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử, bao gồm: bán hàng hoá, dịch vụ qua mạng internet, mạng xã hội (Facebook) và các hình thức thương mại điện tử khác.Vì vậy, đối với kinh doanh online cũng phải khai nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân:

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì Người nộp thuế là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật và không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Có nghĩa là cá nhân có hoạt động kinh doanh phải nộp thuế GTGT và TNCN khi có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Về tính thuế, áp dụng theo công thức:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

 

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Đối với hoạt động bán hàng online là hoạt động phân phối cung cấp hàng hóa tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.

Đối với lệ phí môn bài:

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP đối với cá nhân, hộ kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài khi có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu thì căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 139/2016/NĐ-CP sẽ có mức phí sau:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Tuy nhiên, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Từ đó, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý như khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch…

2/ Không chỉ có 2 cá nhân trên, thực tế còn rất nhiều các cá nhân và tổ chức khác kinh doanh trên nền tảng online nhưng lại không kê khai nộp thuế, đâu là lỗ hổng của luật pháp hiện hành trong vấn đề này thưa LS?

Trả lời:

Thứ nhất, việc cấp giấy phép kinh doanh gặp vướng mắc do hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.

Thứ hai, hiện nay chưa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải sử dụng hóa đơn điện tử. Vì vậy, cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai, xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế hoạt động kinh doanh TMĐT.

Thứ ba, vẫn còn lỗ hổng lớn trong thu thuế nhà thầu của các DN nước ngoài. Những tổ chức này tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại có thu nhập phát sinh từ Việt Nam. Thực tế, nhiều DN mua dịch vụ quảng cáo trên các website nước ngoài nhưng không hề kê khai thực hiện nộp thuế nhà thầu. Đây là lỗ hổng lớn trong thu thuế ở Việt Nam mà cơ quan quản lý vẫn chưa “vá” được.

Sự mở rộng của các hình thức kinh doanh đa bên và đa dạng các hình thức thanh toán, cơ chế thu thuế nhà thầu thông qua bên đại diện cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam nộp thuế không còn phù hợp trong môi trường TMĐT. Dưới tác động của công nghệ, nền kinh tế chia sẻ, nhiều mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng, cùng với đó là sự ra đời của nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh xuyên quốc gia.

Do vậy, để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh này tại Việt Nam đạt được hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc tìm ra các giải pháp tốt nhất để quản lý.

3/ Theo LS, việc quản lý thu thuế từ các thu nhập online nên được quản lý và thực hiện thế naò cho hiệu quả?

Trả lời:

Để quản lý thu nhập từ hoạt động kinh doanh online có hiệu quả thì trước hết các cơ quan chức năng cần cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.

Thứ hai, để giải quyết tình trạng thất thu thuế, khó quản lý thuế TMĐT, do đó thiết nghĩ cơ quan thuế cần tập trung tuyên truyền để khuyến khích DN cũng như người nộp thuế tự giác kê khai nộp thuế thu nhập.

Thứ ba, liên quan đến loại hình kinh doanh này, các giao dịch TMĐT thanh toán thông qua ngân hàng sẽ giúp cơ quan thuế quản lý thuế tốt hơn. Nhưng trong thực tế, việc quản lý thuế từ TMĐT tồn tại nhiều khó khăn. Chẳng hạn như khách hàng mua hàng qua Facebook nhưng lại giao dịch trực tiếp tại của hàng và thanh toán bằng tiền mặt. Có nhiều trường hợp người kinh doanh bỏ số tiền lớn ra để chạy quảng cáo trên Facebook vì hiệu quả mang lại rất cao. Nhưng nếu người bán không dùng phần mềm để quản lý bán hàng, cũng như giá bán của các sản phẩm thì khó để kiểm tra, xác định doanh thu chính xác sau khi đã trừ đi các chi phí phát sinh. Vì thế, ngành thuế cần tăng cường các biện pháp chế tài mạnh và có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan