Thu giữ tài sản đảm bảo và trục xuất người có hộ khẩu tại ngôi nhà?

Nội dung bài viết

Vneconomy phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW. VnEconomy nhận được thư của bạn đọc T, trình bày về việc ngân hàng M thu giữ tài sản bảo đảm tại phường Bồ Đề, quận Long Biên như sau.

Câu hỏi của người dân

Ông Lê Sỹ T có hộ khẩu thường trú tại nhà số 44 Nguyễn Sơn, tổ 22 phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội và đã sinh sống tại đây 20 năm. Ngôi nhà này là tài sản đứng tên ông Lê Sỹ C,  em trai ông T. Ông Lê Sỹ C đã cho Công ty cổ phần nhựa cao cấp hàng không thuê sổ đỏ của ngôi nhà 44 Nguyễn Sơn làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng M.

Ông Lê Sỹ T cho biết ngày 29/6/2023, khi ông đang về quê ở Nghệ An thì nhận được tin báo của hàng xóm cho biết ngôi nhà số 44 Nguyễn Sơn đã bị một số người cắt khoá vào nhà và đóng cửa ở lại trong nhà. Sau đó, ông Lê Sỹ T về nhà nhưng không thể vào trong vì đã có một nhóm người lạ mặt đang ở trong ngôi nhà này, họ chốt cửa bên trong và không cho ông T vào nhà.

Ông Lê Sỹ T đã đến Công an phường Bồ Đề báo cáo sự việc và đề nghị công an phường giải quyết trục xuất những người lạ mặt nói trên nhưng đến nay họ vẫn chiếm giữ ngôi nhà số 44 Nguyễn Sơn.

Ông Lê Sỹ T cho biết, qua hỏi thăm thông tin từ tổ trưởng tổ dân phố, ông được biết nhóm người lạ mặt kia là do Ngân hàng M chi nhánh Long Biên thuê phá khoá và đột nhập, với mục đích thu giữ tài sản bảo đảm.

Ông Lê Sỹ T – người có hộ khẩu thường trú tại nhà số 44 Nguyễn Sơn đã yêu cầu Ngân hàng M để ông được ở lại trong ngôi nhà, việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng M và Công ty cổ phần nhựa cao cấp hàng không phải được giải quyết ở toà án. Tuy nhiên, Ngân hàng M từ chối yêu cầu của ông Lê Sỹ T.

Sau đó, ông Lê Sỹ T tiếp tục yêu cầu Ngân hàng M cho ông vào nhà để lấy các đồ đạc, vật dụng cá nhân, thậm chí tiền bạc và giấy tờ tuỳ thân khác của ông nhưng ngân hàng M cũng từ chối.

Thu giữ tài sản đảm bảo và trục xuất người có hộ khẩu tại ngôi nhà
Thu giữ tài sản đảm bảo và trục xuất người có hộ khẩu tại ngôi nhà

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn

1/ Việc ngân hàng M đơn phương cho người xâm nhập chỗ ở hợp pháp của ông Lê Sỹ T với lý do thu giữ tài sản bảo đảm và trục xuất những người có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà này có đúng quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015 về thông báo về việc xử lí tài sản đảm bảo như sau:

  • Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
  • Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.

Tại Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có quy định về Thông báo xử lý tài sản bảo đảm:

  • Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây: (i) Lý do xử lý tài sản bảo đảm; (ii) Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý; (iii) Thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.
  • Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, nhưng trước ít nhất 10 ngày đối với động sản hoặc trước ít nhất 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm

Theo đó, mặc dù ngôi nhà đã được đem ra làm tài sản thế chấp cho ngân hàng M. Tuy nhiên, trường hợp ngân hàng M muốn xử lý tài sản đảm bảo (ngôi nhà) thì ngân hàng cần phải tuân theo trình tự thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo các quy định pháp luật nêu trên. Bởi ngôi nhà đó vẫn là nơi ông Lê Sỹ T có hộ khẩu thường trú và đã sinh sống tại đây 20 năm. Việc ngân hàng M chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào cho bên bảo đảm (công ty cổ phần nhựa cao cấp hàng không, người đứng tên ngôi nhà là ông C hay là ông T người hiện đang có họ khẩu thường trú tại ngôi nhà) mà đã tiến hành việc cho người xâm nhập chỗ ở hợp pháp của ông T với lý do thu giữ tài sản đảm bảo là trái quy định pháp luật.

2/ Ông Lê Sỹ T cần làm gì để được vào nhà lấy một số vật dụng cá nhân phục vụ sinh hoạt hàng ngày?

Trả lời:

Để có thể vào nhà và lấy một số vật dụng cá nhân để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày thì đầu tiên, ông T có thể trình báo vụ việc lên các ở quan chức năng của địa phương để kịp thời nắm bắt và xử lý. Ông T cần mang theo căn cước của mình ra công an phường để xin xác nhận nơi cư trú và yêu cầu bên công an phường Bồ Đề can thiệp giúp ông lấy đồ dùng cá nhân ở trong nhà. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ dừng ở việc ông T cần làm gì để lấy một số vật dụng cá nhân phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà còn liên quan đến thủ tục xử lý tài sản để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của ông T. Chính vì vậy vấn đề cần giải quyết ở đây là giải quyết những người đang xâm nhập trái phép để ông T thực hiện được các quyền của mình khi ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm. Ông T cần có xác nhận nhân thân của chủ sở hữu căn nhà là ông C, là em trai của ông, để ra công an phường làm rõ vụ việc vi phạm của những người trong nhà ông C và bên công an có thể xác minh danh tính của những người hiện đang xâm nhập bất hợp pháp trong nhà của ông C. Để từ đó bên phía công an có những biện pháp để xử lý, cưỡng chế nhóm người đang xâm phạm trái phép ra khỏi chỗ ở của ông T. Cũng như có biện pháp liên hệ với phía ngân hàng M để có phương án xử lý tài sản bảo đảm cho hợp pháp, hợp lý.

3/ Theo quy định pháp luật hiện nay, tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng M và Công ty cổ phần nhựa cao cấp hàng không phải giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Tranh chấp Hợp đồng tín dụng cũng như các loại hợp đồng khác, điều mà các bên hướng tới là nhanh chóng “giải quyết” tranh chấp và đạt được kết quả tốt nhất. Nên các biện pháp hòa giải, thương lượng sẽ là biện pháp tốt nhất đáp ứng những vấn đề đó. Nếu việc thỏa thuận không đem lại kết quả, hai bên có thể giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc Tòa án nhân dân có thẩm quyền, dựa theo điều khoản giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng tín dụng hai bên đã thỏa thuận.

Thứ nhất là giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại 2010, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên có sự thỏa thuận rõ ràng và cụ thể về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết, nếu không, mặc nhiên các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bởi tòa án có thẩm quyền.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS 2015) thì các bên trong tranh chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Có hai trường hợp có thể xảy ra trong trường hợp này, được xác định như sau:

  • Tranh chấp được xác định là vụ án dân sự thông thường theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 BLTTDS 2015 nếu Hợp đồng tín dụng được xác lập giữa tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, và bên vay không sử dụng việc cấp tín dụng vào mục đích kinh doanh thu lợi nhuận.
  • Tranh chấp được xác định là vụ án kinh doanh, thương mại theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 nếu Hợp đồng tín dụng được xác lập giữa tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận.

Trong cả hai trường hợp trên thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đều thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Về thời hiệu:

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng là 03 năm như các hợp đồng khác theo quy định tại Điều 429 BLDS 2015 quy định, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 155 BLDS 2015 quy định yêu cầu đối với việc bảo vệ quyền sở hữu sẽ không áp dụng thời hiệu.

Xâm phạm chỗ ở
Xâm phạm chỗ ở

4/ Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.

Như vậy, có phải ngân hàng M đã vi phạm Điều 158 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác (các điểm b, c,d)

  1. b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
  2. c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
  3. d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Trả lời:

Theo Điều 158 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

  1. Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
  2. Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
  3. Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
  4. Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác”.

Theo như thông tin của ông Lê Sỹ T cung cấp thì khi ông vắng nhà một nhóm người được Ngân hàng M thuê đã cắt khoá vào nhà và đóng cửa ở lại trong nhà. Sau đó, ông T về nhà nhưng không thể vào trong vì nhóm người lạ mặt đó đang ở trong ngôi nhà này, họ chốt cửa bên trong và không cho ông T vào nhà.

Hành vi trên có dấu hiệu cấu thành Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tuy nhiên, để xác định hành vi trên có cấu thành tội phạm hay không sẽ phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan