Sử dụng đất sai mục đích, trách nhiệm thuộc về ai?

Nội dung bài viết

Nhận lời mời phỏng vấn từ phóng viên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời về vấn đề sử dụng đất sai mục đích.

1, Trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước trong những vụ việc sử dụng đất sai mục đích.

Trả lời:

Điều 12 Luật đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, trong đó tại Khoản 3 có quy định hành vi:

“3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.”

Điều 206 Luật đất đai năm 2013 có quy định về việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

  1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
  2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.

Như vậy, Điều 206 đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi sử dụng đất sai mục đích hay thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai nói chung, sẽ tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường theo mức thiệt hại trên thực tế.

Đồng thời, theo Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

  1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
  2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Như vậy, cơ quan Nhà Nước quản lý về đất đai cụ thể là Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời những vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với người có hành vi vi phạm (chủ đầu tư) để khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

2, Các mức xử phạt trong từng trường hợp cụ thể.

Trả lời:

Khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rất chi tiết các mức phạt tiền tùy theo số diện tích đất sử dụng sai mục đích theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai, cụ thể:

Điều 11. Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

……………………………………

2. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đồ thị thì hình thức và mức xử phạt bng 02 ln mức phạt quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, mức xử phạt cụ thể được Khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định là từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu sử dụng đất sai mục đích tại khu vực nông thôn, còn đối với khu vực đô thị thì mức xử phạt sẽ nặng hơn gấp 02 lần theo quy định tại Khoản 3 Điều 11.

3, Nếu muốn chuyển đổi, thay đổi mục đích sử dụng đất cần có những động thái, việc làm như thế nào?

Trả lời:

Điều 57, Luật đất đai 2013 quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó:

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

…………………………..

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

………………………………..

Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Theo Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013 quy định trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp cần phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục cho phép quyền sử dụng đất được quy định tại điều 69, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và được hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT.

Theo đó, nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, sau đó tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ và người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì thời gian thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất không quá 15 ngày, với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

4, Các biện pháp khắc phục hậu quả là như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp đất nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bị sử dụng sai mục đích thì sẽ bị phạt hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích;

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, người sử dụng đất còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP:

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan