Câu hỏi: Bà X hiện ở trên mảnh đất 120m2. Hiện diện tích này đang có tranh chấp về ranh giới sử dụng với bà Y sử dụng đất liền kề.
Do tuổi già, bà X làm giấy ủy quyền cho ông Z là người bà con họ hàng xa thay mặt mình giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà Y. Năm 2007, bà X mất, không để lại di chúc.
Ông Z làm đơn gửi ủy ban nhân dân xã A đề nghị đứng tên chủ sử dụng mảnh đất này. UBND xã A không đồng ý và ra quyết định thu hồi mảnh đất của bà X với lý do bà không có người thừa kế.
Ông A không đồng ý với quyết dịnh thu hồi đất này đã viết đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND huyện. Xin hỏi trong vụ việc này ai đúng, ai sai?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề ủy quyền giải quyết tranh chấp đất
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 (thời điểm ủy quyền) Bộ luật dân sự 2015 (quy định hiện hành) cá nhân có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ thay cho mình, cần kiểm tra về nội dung ủy quyền của bà X làm cho ông Z. Ông Z được quyền thay mặt bà X thực hiện công việc được ủy quyền là "thay mặt mình giải quyết việc tranh chấp ranh giới sử dụng đất với bà Y". Phạm vi ủy quyền được xác định là thay mặt bà X để giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
+ Theo thỏa thuận;
+ Thời hạn ủy quyền đã hết;
+ Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
+ Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
+ Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
+ Người đại diện không còn đủ điều kiện đại diện
+ Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
Như vậy, bà X chết có nghĩa là người được đại diện chết làm chấm dứt đại diện ủy quyền của ông Z hay cụ thể hơn là tại thời điểm năm 2007 bà X chết có nghĩa là bên ủy quyền chết, chấm dứt ủy quyền không còn ủy quyền tham gia giải quyết tranh chấp. Căn cứ theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết.
Thứ hai, về vấn đề không còn người thừa kế và nhà nước thu hồi đất
Làm rõ vấn đề này sẽ làm rõ luôn việc ông Z làm đơn khiếu nại có đúng hay không. Theo nội dung tình huống khẳng định bà X chết không để lại di chúc bà chết năm 2007, căn cứ theo Điều 644, Điều 675, Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005, ông Z là bà con họ hàng xa, nếu theo hàng thừa kế theo pháp luật mà ông Z không thuộc hàng thừa kế nào thì tài sản sẽ thuộc về nhà nước.
Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai 2013 và Điều 65 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế sẽ bị thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cá nhân người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế. Nhà nước thu hồi là đúng pháp luật, ông Z không có quyền làm đơn khiếu nại về việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.