Thời hạn sử dụng của các loại thẻ bảo hiểm y tế

Nội dung bài viết

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thẻ BHYT là "chìa khóa" để sử dụng các dịch vụ y tế được bảo hiểm. Tuy nhiên, mỗi loại thẻ BHYT có thời hạn sử dụng riêng, do đó việc nắm rõ thời hạn sử dụng của thẻ BHYT là vô cùng cần thiết để đảm bảo quyền lợi khi khám chữa bệnh.

Bài viết này sẽ trình bày về thời hạn sử dụng của các loại thẻ BHYT phổ biến hiện nay, giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hạn sử dụng bảo hiểm y tế trong bao lâu?

Tùy từng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mà thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ BHYT khác nhau. Bài viết sau đây sẽ thống kê, đối tượng nào tham gia BHYT trong thời hạn bao lâu:

-Đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 03 năm từ ngày đầu của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 năm thứ hai sau năm cấp thẻ.

-Đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, NLĐ là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức bắt buộc tham gia; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 01 năm từ ngày đầu của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 trong năm.

-Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước theo Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 01/6/2010; Quyết định 91/2000/QĐ-TTg:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 05 năm từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày 30/6 năm thứ 4 sau năm cấp thẻ.

-Đối với NLĐ nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 01 năm từ ngày đầu của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 trong năm.

-Đối với công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206/CP ngày 30/5/1979:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 05 năm từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày 30/6 năm thứ 4 sau năm cấp thẻ.

-Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 05 năm từ ngày người đã hiến bộ phận cơ thể ra viện đến ngày 31/12 năm thứ 4 sau năm cấp thẻ.

-Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng với thời hạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cấp có thẩm quyền.

-Đối với Trẻ em dưới 6 tuổi:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Nếu trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn kéo dài đến ngày 30/9 của năm đó.

-Đối với Đại biểu được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo nhiệm kỳ bầu cử từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày kết thúc nhiệm kỳ.

-Đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước hằng tháng bao gồm các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) bổ sung chính sách, chế độ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111/HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường; Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại Điểm 3.8 Khoản này, bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc; bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Con đẻ từ trên 6 tuổi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 03 năm, từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày 31/12 năm thứ hai sau năm cấp.

-Đối với người phục vụ người có công với cách mạng, bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 01 năm từ ngày đầu của tháng đóng BHYT đến ngày 31/12 trong năm.

-Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó hoặc ngày 31/12 của năm cuối ghi trên thẻ BHYT (trường hợp thời hạn sử dụng thẻ BHYT cấp nhiều năm).

-Đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT Từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó. Trường hợp, cơ quan BHXH nhận được danh sách đối tượng tham gia BHYT kèm theo Quyết định phê duyệt danh sách người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau ngày 01/01 thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

-Đối với người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo thời hạn khóa học từ ngày đăng ký cấp thẻ BHYT đến ngày hết thời hạn khóa học.

-Đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT Từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó. Riêng học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ 1 thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31/12 năm sau; còn học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/01 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

-Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT Từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT tương ứng với thời hạn được hưởng chính sách theo Quyết định phê duyệt danh sách người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.

-Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình:

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT không quá 12 tháng, từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT; nếu tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.

Có cần mang theo thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh không?

Từ ngày 01/06/2021, người lao động không cần mang theo thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh. Bạn có thể sử dụng một trong các cách sau để thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh:

  • Xuất trình Căn cước công dân (CCCD) gắn chip: CCCD gắn chip có tích hợp thông tin thẻ BHYT, do đó bạn có thể sử dụng CCCD để thay thế thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
  • Sử dụng ứng dụng Vss-ID: Vss-ID là ứng dụng điện thoại thông minh do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển. Ứng dụng Vss-ID có chức năng hiển thị thông tin thẻ BHYT, do đó bạn có thể sử dụng Vss-ID để thay thế thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
  • Xuất trình mã thẻ BHYT: Bạn có thể ghi nhớ hoặc lưu lại mã thẻ BHYT của mình và xuất trình cho nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh khi đi khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 14 tuổi chưa có CCCD: Trường hợp này, trẻ em cần mang theo thẻ BHYT giấy hoặc giấy khai sinh khi đi khám chữa bệnh.
  • Người dân đang tham gia BHYT hộ gia đình: Trường hợp này, người dân cần mang theo sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác có ghi tên, địa chỉ để chứng minh mình là thành viên của gia đình tham gia BHYT hộ gia đình.
  • Người dân đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh/thành phố nơi đang cư trú: Trường hợp này, người dân cần mang theo thẻ BHYT giấy để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

>> Xem thêm : Dịch vụ Luật sư cho doanh nghiệp nước ngoài

0/5 (0 Reviews)
Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW

Công ty luật SBLAW là 1 trong những hãng luật uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chúng tôi có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật. SBLAW tự hào có một đội ngũ Luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật.

Hồ sơ năng lực

Bài viết liên quan