Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã tư vấn về thời hạn sở hữu nhà của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên Việt Báo. Dưới đây là nội dung chi tiết:
(ĐTCK) Tôi là Emilly, quốc tịch Anh. Hiện tại, tôi có dự định mua nhà của 1 chủ đầu tư tại Việt Nam. Tôi băn khoăn không biết người nước ngoài có quyền sở hữu nhà tại Việt Nam dài hạn hay không?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 7 Nghị định số 99/ 2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật nhà ở đã quy định về thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài cụ thể:
“ Điều 7. Thời hạn sở hữu nhà ở
3. Cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận; khi hết thời hạn sở hữu nhà ở ghi trong Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này.”
Theo quy định thì người nước ngoài không có quyền sở hữu nhà thời hạn lâu dài và ổn định mà chỉ được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm, thời điểm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận. Khi hết thời hạn chủ sở hữu có quyền gia hạn thêm theo nhu cầu tại các trường hợp điều 77 Nghị định số 99/ 2015/NĐ-CP .
Câu hỏi: Công ty tôi là 1 doanh nghiệp nước ngoài, tiến hành sáp nhập trở thành doanh nghiệp trong nước. Hiện tại thời hạn sở hữu nhà ở của công ty tôi vẫn còn. Xin hỏi, khi sáp nhập thì thời hạn sở hữu nhà ở của công ty thay đổi như thế nào?
Trả lời:
Điều 7, Luật Nhà ở 2014 quy định thời hạn sở hữu nhà ở như sau:
2...Trường hợp tổ chức nước ngoài bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu nhà ở quy định tại Khoản này hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì việc xử lý nhà ở này được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này; trường hợp trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định của pháp luật thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.”
Như vậy, trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thì có quyền sở hữu nhà ở ổn định lâu dài. Trong trường hợp này tổ chức nước ngoài đang có thời hạn sở hữu nhà ở giới hạn thì được chuyển sang quyền sở hữu nhà ở không xác định thời hạn với tư cách tổ chức trong nước.
Nguồn: http://vietbao.vn/Nha-dat/Thoi-han-so-huu-nha-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tai-Viet-Nam/199236419/507/