Thiệt hai do thiên tai được hỗ trợ thế nào?

Nội dung bài viết

Thời gian qua lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào ở các tỉnh miền núi phía bắc về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp. Nhiều bạn đọc đã gửi thư về Tạp chí Nông thôn mới đề nghị cho biết chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai thế nào? Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) giải đáp vấn đề này. Luật sư Hà cho biết:

Sản xuất nông nghiệp của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Bão, lũ, dịch bệnh xảy ra liên tục khiến người nông dân bị tổn thất nặng nề. Không ít trường hợp sau một cơn bão nhiều hộ chăn nuôi thủy, hải sản bị trắng tay…bởi vậy để chia sẻ với thiệt hại, khó khăn của nông dân, từ lâu Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khi bị thiên tai, dịch bệnh. Chính sách này được sửa đổi bổ sung liên tục theo hướng ngày càng hoàn thiện; phạm vi, đối tượng hỗ trợ được mở rộng; mức hỗ trợ được tăng lên. Mới đây nhất là ngày 09 tháng 01 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 02/2017/NĐ-CP quy định về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 02 năm 2017. Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ đề cập đến quy định của Nhà nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đối với người bị thiệt hại do thiên tai.

Theo quy định nêu trên thì phạm vi được hỗ trợ gồm những gì? Đối tượng nào thuộc diện được hỗ trợ?

Phạm vi, đối tượng hỗ trợ được quy định tại Điều 1, Điều 2, Nghị định số: 02/2017/NĐ-CP. Theo đó:

Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai

Đối tượng hỗ trợ được, bao gồm: Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai theo quy định nêu trên.

Như vậy chỉ nào cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Luật phòng, chống thiên tai thì mới được Nhà nước hỗ trợ?

Đúng như thế.

Các loại hình thiên tai theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai được hiểu như sau: Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

Và theo quy đinh (tại Điều 3, Nghị định số: 02/2017/NĐ-CP) thì Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại); việc hỗ trợ phải kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương; việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng; trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, hộ sản xuất chỉ được nhận hỗ trợ một chính sách phù hợp nhất.

Để được hỗ trợ, người bị thiệt hại có cần điều kiện gì không, thưa luật sư?

Theo quy định (tại Điều 4, Nghị định trên) thì các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

  1. Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
  2. Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
  3. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
  4. Thời điểm xảy ra thiệt hại:

Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;

Nếu được hỗ trợ thì mức hỗ trợ ra sao?

Mức hỗ trợ được quy định tại Điều 5, Nghị định số: 02/2017/NĐ-CP

  1. Hỗ trợ đối với cây trồng:

a) Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;

d) Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

2.Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp:

a) Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.

3.Hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản:

a) Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 6.100.000 - 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng/ha;

d) Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40.500.000 - 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;

g) Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng /100 m3 lồng;

h) Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 20.500.000 - 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng/ha;

i) Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 35.500.000 - 50.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 15.000.000 - 35.000.000 đồng/ha;

k) Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15.500.000 - 20.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng/100 m3 lồng;

l) Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 4.100.000 - 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/ha.

4.Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm:

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con;

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 - 10.000.000 đồng/con;

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 500.000 - 2.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.100.000 - 6.000.000 đồng/con;

Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 - 2.500.000 đồng/con.

  1. Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

Các bạn lưu ý:

Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan