Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng tốc cuối năm

Nội dung bài viết

Thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh sau khi kết thúc quý III. Tuy vậy, vẫn có những lo ngại về sự bền vững khi các vụ việc tranh cãi liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thanh toán điều khoản bảo hiểm vẫn liên tục xảy ra. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law đã đưa ra quan điểm của mình trên trang laodong.vn. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Doanh thu bảo hiểm tăng mạnh tại nhiều doanh nghiệp trong 9 tháng năm 2022.
Doanh thu tăng mạnh

Theo báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 9 tháng của năm ước đạt 127.511 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỉ trọng 51,5%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỉ trọng 16,7%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỉ trọng 20,0%; sản phẩm phụ chiếm tỉ trọng 10,3%.

Về tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng ước đạt 37.677 tỉ đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỉ đồng, tiếp đến là Prudential với 6.678 tỉ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỉ đồng…

Về số lượng hợp đồng khai thác mới 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.385.235 hợp đồng (sản phẩm chính). Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.559.473 hợp đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (24,4%).

Cũng theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 34.552 tỉ đồng, tăng 57,35% với cùng kỳ năm trước.

Vẫn nhiều vụ việc gây tranh cãi

Mặc dù thị trường có sự tăng trưởng tuy nhiên bảo hiểm nhân thọ vẫn thường xuyên xảy ra các vụ việc gây tranh cãi. Gần đây nhất như trường hợp của ông N.V.B (54 tuổi) tố bị một đại lý bảo hiểm của Manulife giả chữ ký khi tham gia gói bảo hiểm nhân thọ "Gia đình tôi yêu". Phía Manulife sau đó lên tiếng cho biết đã làm việc nghiêm túc với đại lý. Theo nội dung giải trình, đại lý này cho biết đã hướng dẫn ông N.V.B thực hiện các thủ tục với sự đồng ý. Vụ việc gây ra những ý kiến trái chiều và theo các chuyên gia pháp lý cần phải có các hoạt động giám định chữ ký, vừa để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, vừa bảo đảm uy tín doanh nghiệp.

Hay như câu chuyện phân phối bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng cũng là vấn đề gây bức xúc. Vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trả lời về một trường hợp vay tiền tại ngân hàng để mua nhà, bị ép mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ lên tới 2 tỉ đồng. Quan điểm của NHNN nêu rằng đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch hãng luật SB Law), bản chất mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm là quan hệ dân sự thông qua việc giao kết hợp đồng. Vì vậy, thường xảy ra những tranh chấp về các nghĩa vụ thanh toán, tranh chấp về thời hạn của hợp đồng hay những tranh chấp xoay quanh tính trung thực của thông tin mà bên mua bảo hiểm phải cung cấp.

Chuyên gia pháp lý cho rằng, phổ biến nhất là các tranh chấp liên quan đến điều khoản thanh toán, các bên bán bảo hiểm thường có thể “cài cắm” những điều khoản khó hiểu hoặc dài dòng, nhằm đặt những phạm vi, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng, rồi nói với người mua rằng đó chỉ là những điều khoản phụ, không quan trọng. Do đó, người mua bảo hiểm cần lưu ý tới những điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm do bên bán thường bám vào các điều khoản này để từ chối thanh toán.

Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để giải quyết những bất cập thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về chuẩn hoá chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cần có quy định, chế tài xử lý đối với những đại lý bảo hiểm vi phạm các quy định, nguyên tắc nghề nghiệp khi thực hiện tư vấn tài chính cho khách hàng để nêu gương.

Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/thi-truong-bao-hiem-nhan-tho-tang-toc-cuoi-nam-1118787.ldo

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan