Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều mối lo cho xuất khẩu hàng hóa. Đáng chú ý, trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất.

Để tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật Sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Luật Sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

Luật Sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.

-Có thể thấy ngành thép Việt đã và đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện, các biện pháp phòng vệ thương mại gắt gao hơn từ các thị trường lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tình trạng mượn xuất xứ, hay nói cách khác là gian lận thương mại của các doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính khiến cho nhiều sản phẩm thép Việt Nam lọt vào “tầm ngắm” của các nước nhập khẩu. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh sản phẩm của các doanh nghiệp chân chính trong nước mà còn làm xấu đi hình ảnh thép Việt trên trường quốc tế và khiến thép Việt dễ bị đưa vào diện điều tra, áp thuế, giảm cạnh tranh và xuất khẩu các mặt hàng này.

Nguyên nhân thứ hai và cũng rất phổ biến hiện nay đó là do tiến trình tự do hóa thương mại và khó khăn kinh tế chung trên toàn cầu đã khiến xu hướng lạm dụng các biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước, do công suất ngành sản xuất thép trên thế giới đang bị dư thừa.

Chính vì thế, số lượng các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng.

Do đó, các doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Việc này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và thép Việt Nam nói riêng.

- Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước đang sử dụng?

Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Các biện pháp bảo hộ thương mại truyền thống như thuế nhập khẩu sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

Các biện phòng vệ thương mại gồm có biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước, do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến. Các biện pháp này đều được quy định chi tiết tại Hiệp định GATT 1994 và các Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng và Hiệp định Tự vệ của WTO.

-Theo ông, các vụ kiện thương mại sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sản xuất thép của Việt Nam, thưa luật sư?

Cho đến nay không có thống kê đầy đủ nào về những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu do những vụ kiện gây ra. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một cách rõ ràng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép tại Việt Nam thì việc gia tăng các vụ kiện có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính của toàn bộ ngành thép. Việc khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi.

Thêm vào đó, để theo kiện doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan (ví dụ thuê luật sư tư vấn, trả lời Bảng câu hỏi điều tra, tham gia các phiên điều trần, …). Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể kham nổi các chi phí này.

Cạnh tranh và xuất khẩu khó khăn có thể khiến doanh nghiệp ngừng sản xuất, thậm chí phá sản, kéo theo những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Các ngành cung cấp nguyên liệu đầu vào liên quan và đầu tư nước ngoài trong ngành bị kiện cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Điều bất lợi rất lớn nữa là những hậu quả bất lợi này có thể kéo dài nhiều năm (bởi một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần). Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hàng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu.

Nguồn: https://enternews.vn/thep-viet-tranh-phong-ve-thuong-mai-bangcach-the-nao-167960.html