Đợt kiểm tra rầm rộ của lực lượng quản lý thị trường về vụ việc Con Cưng đã cho kết quả khá bất ngờ: Con Cưng không hề vi phạm trong 7 điểm mà lãnh đạo Cục Quản lý thị trường từng họp báo và công bố. Có chăng, lỗi của doanh nghiệp là khuyến mãi quá “hào phóng” cho người tiêu dùng.

Về vấn đề này Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLAW.

– Ông có đánh giá như thế nào về những sai phạm của Con Cưng, so với những sai phạm mà lãnh đạo Cục Quản lý thị trường công bố trước đó, thưa ông?

Bộ Công Thương đã chính thức có thông báo kết luận về trường hợp của Con Cưng và kết quả này khiến dư luận khá bất ngờ.

Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín tại họp báo chuyên đề ngày 31/7đã công bố 7 hành vi vi phạm của Con Cưng và kết luận ban đầu là có sai phạm.

Những hành vi này bao gồm:

Một là, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra các cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Hai là, kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in VietNam” nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ của hàng hóa không phải bằng tiếng Việt.

Ba là, kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm.

Bốn là, kinh doanh hàng hóa là túi nylon đựng sữa ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa.

Năm là, có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành.

Sáu là, kinh doanh nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định.

Bảy là, các cửa hàng đang thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được các giấy tờ có liên quan theo quy định, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khuyến mại.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương lại cho thấy: Về cơ bản Công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của Công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, theo kết quả này cho thấy, Con cưng không kinh doanh hàng giả, hàng lậu như thông báo trước đó.

Có một sự vênh nhau nhất định giữa tuyên bố trước đó và kết luận sau thanh tra, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng rất lớn về uy tín, doanh thu từ sự việc này.

– Theo quy định, thời gian công bố kết luận thanh tra cho vụ việc này là bao nhiêu lâu, thưa ông?

Điều 22 Pháp lệnh số 11/2016/UBTVQH13 về quản lý thị trường có quy định về thời hạn kiểm tra như sau:

Thời hạn một cuộc kiểm tra tại nơi kiểm tra không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.

Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm: Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra; Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra.

Như vậy, thời hạn một cuộc kiểm tra là không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

– Cụ thể, trong trường hợp của Con Cưng thì điều khoản này được áp dụng như thế nào, thưa luật sư?

Trong trường hợp này, do số lượng cửa hàng cũng như số lượng hàng hoá cần kiểm tra lớn, cơ quan quản lý thị trường cần thời gian thẩm tra, xác minh, vì vậy, kết luận kiểm tra đã không ra được trong vòng 5 ngày như quy định nêu trên.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thấy rằng thời gian thẩm tra, kiểm tra của cơ quan chức năng kéo dài và không hợp lý, họ có quyền khiếu nại và khiếu kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Vậy thiệt hại cho doanh nghiệp – về kinh tế, về uy tín, danh dự, thì ai sẽ bồi thường?

Nếu doanh nghiệp có đầy đủ chứng cứ, đầy đủ thông tin có thể cung cấp cho cơ quan cấp trên để bảo vệ quyền lợi của mình khi cho rằng doanh nghiệp đã bị thiệt hại lớn vì bị vướng vào việc kiểm tra.

Và nếu cơ quan chức năng không đồng ý với quan điểm của doanh nghiệp thị doanh nghiệp có thể khởi kiện ra toà, nếu toà án có phán quyết là cơ quan chức năng đã sai sót khi kiểm tra doanh nghiệp, kéo dài thời gian thì cơ quan chức năng kiểm tra sẽ phải bồi thường.

– Doanh nghiệp có thể khởi kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính này không, thưa luật sư?

Nếu xác định quyết định hành chính, hành vi hành chính có sai phạm, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn các cách thức bảo vệ quyền lợi của mình.

Một là khiếu nại đến chính cơ quan kiểm tra hoặc Bộ Công Thương là cơ quan cấp trên, theo thủ tục tố tụng hành chính.

Hoặc nếu không đồng tình với quyết định của cơ quan hành chính, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khởi kiện ra toà hành chính để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nguồn: http://enternews.vn/thay-gi-tu-ket-qua-kiem-tra-con-cung-cua-bo-cong-thuong-134662.html