Thấy gì qua các vụ án nhân viên ngân hàng biến tướng, lừa đảo khách hàng

Nội dung bài viết

Trong bài viết “Thấy gì qua các vụ án nhân viên ngân hàng biến tướng, lừa đảo khách hàng” đăng trên báo an ninh thủ đô có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Sau đây là nội dung bài báo:

Gần đây đã xảy ra một số vụ việc nhân viên ngân hàng lợi dụng uy tín, lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Có những vụ số tiền lửa đảo lên tới hàng chục tỉ đồng …Ý kiến của luật sư về các trường hợp này ra sao, mời độc giả cùng theo dõi.

Hàng loạt vụ lừa đảo nghiêm trọng

Ngày 20/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau cho biết đã bắt tạm giam và khám xét nơi ở của 2 nguyên nhân viên ngân hàng để điều tra về hành vi lừa đảo.

Cụ thể, 2 người bị bắt đều từng là nhân viên ngân hàng, gồm: Nguyễn Hải Đăng (34 tuổi, trú huyện Cái Nước, Cà Mau), bị tố lừa đảo số tiền 11,4 tỉ đồng; và Trần Đức Thuận (35 tuổi, trú TP.Thủ Đức, TP.HCM), bị tố cáo lừa đảo 6,5 tỉ đồng.

Theo Cơ quan CSĐT, Đăng và Thuận đã lợi dụng “mác” là cán bộ ngân hàng để đứng ra huy động vốn đáo hạn ngân hàng cho các cá nhân, sau đó chiếm đoạt số tiền nêu trên.

Thấy gì qua các vụ án nhân viên ngân hàng biến tướng, lừa đảo khách hàng ảnh 1

Bị cáo Đăng và Thuận

Trước đó, Công an tỉnh Gia Lai thông báo rộng rãi ai là nạn nhân trong vụ Chu Nữ Diệu Huyền (sinh 1985, trú tại phường Phù Đổng, Pleiku) lừa đảo 55 tỷ đồng thì liên hệ Phòng Cảnh sát hình sự để trình báo.

Qua điều tra của công an, nhiều người mới vỡ lẽ đối tượng Chu Nữ Diệu Huyền lúc còn làm nhân viên kế toán tại một ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Gia Lai, đã khoe khắp nơi mình có nhiều mối quan hệ đáo hạn ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp; đồng thời kêu gọi những người có tiền cho vay trả lãi cao.

Do quen biết và tin tưởng, từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2020, bà N.T.N nhiều lần chuyển cho Huyền vay với tổng số tiền lên tới hơn 55 tỷ đồng. Thời gian đầu Huyền trả lãi đều nhưng từ nửa cuối năm 2020, chị ta bắt đầu chây ỳ. Đồng thời, còn dựng chuyện với bà N.T.N rằng: đã chuyển toàn bộ số tiền 55 tỷ đồng nói trên cho Lê Thị Thương (sinh năm 1988, trú tại phường Hoa Lư, Pleiku), nhân viên hợp đồng của 1 ngân hàng có chi nhánh ở tỉnh Gia Lai. Lê Thị Thương là chủ mưu một vụ lừa đảo khác cũng tại Pleiku.

Khi biết Lê Thị Thương đến cơ quan công an trình báo mình bị vỡ nợ, Huyền nói với bà N.T.N rằng đã mang toàn bộ số tiền đó đưa cho Thương và cho biết mình cũng là nạn nhân. Song, qua điều tra, cơ quan công an xác định không có căn cứ khẳng định Huyền mang số tiền vay mượn của bà N. đưa cho Thương. Thay vào đó, đối chiếu với những tài sản nhà cửa, ô tô…, cơ quan điều tra khẳng định Huyền đã chiếm đoạt 55 tỷ đồng đồng để sử dụng cho các mục đích cá nhân.

Hoặc một vụ khác, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bến Tre ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Mai Phương (trú tại xã Bình Thới, huyện Bình Đại) nguyên là nhân viên của một chi nhánh ngân hàng tại huyện Bình Đại để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2019 đến giữa năm 2020, khi làm nhân viên một chi nhánh ngân hàng tại huyện Bình Đại, Nguyễn Thị Mai Phương đã vay tiền của nhiều người dân với nhu cầu để đáo hạn ngân hàng. Sau khi nhận tiền, Phương sử dụng vào mục đích cá nhân khác với tổng số tiền vay và chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Do không có khả năng chi trả kéo dài nên các cá nhân bị Phạm Thị Mai Phương lừa tiền đã tố cáo với cơ quan chức năng.

Luật sư: Ngân hàng cũng có trách nhiệm liên đới

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law, các nhân viên ngân hàng trên đã lợi dụng vỏ bọc “nhiều tiền”, giỏi “xoay sở” để tạo lòng tin dụ “con mồi” sập bẫy qua chiêu thức “cho vay hưởng lãi suất cao” hoặc lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tiền khách hàng.

Luật sư Hà nhìn nhận: Đây là hệ quả của tình trạng buông lỏng quản trị con người của một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng hiện nay. Nếu ngân hàng tuyển dụng chặt chẽ thì sẽ hạn chế đáng kể những vụ việc như vậy. Các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc nhân viên của mình vi phạm pháp luật chứ không phải như một số ngân hàng coi việc đó là việc của cá nhân, không liên quan gì đến ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cần thường xuyên cho nhân viên bồi dưỡng, tập huấn về đạo đức nghề nghiệp.

Nguồn:https://anninhthudo.vn/thay-gi-qua-cac-vu-an-nhan-vien-ngan-hang-bien-tuong-lua-dao-khach-hang-post467278.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan