Trong chương trình truyền hình của kênh InfoTV, phóng viên đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch, luật sư điều hành của S&B Law về vấn đề thuế Thu nhập cá nhân, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa ông, từ ngày 1/7 tới đây sẽ áp dụng mức thu thuế thu nhập cá nhân từ 5 triệu lên 9 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về quy định mới này?
Trả lời: Theo tôi, mức thu thuế TNCN bậc 1 được tính từ 9 triệu là hợp lý so với mức sống hiện nay với các chi phí đắt đỏ, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Phóng viên: Tuy nhiên quy định mới này liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước không thưa ông?
Trả lời: Tôi cho rằng xét về mặt con số thì việc tăng mức tiền lương để tính thuế TNCN lên mức 12,6 triệu/tháng mới phải nộp thuế làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền thuế TNCN. Tuy nhiên, việc tăng mức phải nộp thuế TNCN lên sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng hoặc đầu tư, và ngân sách nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ các khoản thuế khác, ví dụ như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phóng viên: Hiện nay việc thu thuế thu nhập cá nhân mới chỉ áp dụng đối với những người lao động trong các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp. Thưa ông, thực tế này liệu đã là công bằng khi rất nhiều lao động tự do có thu nhập cao vẫn không phải nộp thuế do nhà nước chưa có biện pháp quản lý được thu nhập của họ?
Trả lời: Theo tôi thực tế này đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước bài toán là phải quản lý được mọi nguồn thu nhập từ mọi cá nhân để đảm bảo mọi cá nhân có thu nhập đều phải nộp thuế một cách công bằng.
Phóng viên: Theo đánh giá của ông thì mức lương tối thiểu theo quy định hiện nay có đáp ứng được mức sống tối thiểu không thưa ông?
Trả lời: Với mức lương tối thiểu vùng cao nhất là 2.350.000 đồng/tháng, theo tôi là chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu hiện nay tại các đô thị. Đây cũng là nghiên cứu và khảo sát thực tế trong thời gian qua mà kỳ họp Quốc hội năm nào cũng đề cập đến.
Viện Công nhân - công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa đưa ra con số khẳng định mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 50% mức sống tối thiểu. Theo khảo sát của cơ quan này tại các loại hình doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về tiền lương thì, mức sống tối thiểu của một lao động thuộc vùng I khoảng 3,7 triệu đồng/tháng (bao gồm nhu cầu lương thực, thực phẩm là 888.000 đồng/tháng; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm như chỗ ở, đi lại, hưởng thụ văn hóa… khoảng 1,3 triệu đồng/tháng; nhu cầu nuôi 1 con là 1,55 triệu đồng/ tháng).
Phóng viên: Và mức sống tối thiểu phải được hiểu như thế nào? Ông có thể đưa ra những so sánh với một số quốc gia mà ông biết?
Trả lời: Mức sống tối thiểu được hiểu là mức sống phải đảm bảo được nhu cầu tối thiểu về mặt vật chất và tinh thần đối với mỗi 1 cá nhân mà dưới mức sống này, con người sẽ lâm vào cảnh khó khăn về cả thể chất và tinh thần.
Theo tính toán sơ bộ của Viện Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì mức sống tối thiểu của một cá nhân tại vùng 1 của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 3,7 triệu/tháng, cụ thể gồm: nhu cầu lương thực, thực phẩm là 888.000 đồng/tháng; nhu cầu phi lương thực, thực phẩm như chỗ ở, đi lại, hưởng thụ văn hóa… khoảng 1,3 triệu đồng/tháng; nhu cầu nuôi 1 con là 1,55 triệu đồng.
Trên thế giới có một cách hiểu khá thống nhất: một mức lương đủ sống phải đảm bảo đủ để mua một giỏ hàng hóa lương thực thực phẩm cần thiết và một giỏ hàng hóa phi lương thực thực phẩm (cho mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đi lại, hỗ trợ bố mẹ già, quan hệ xã hội, một khoản tiết kiệm nhỏ...) đủ để người lao động và gia đình họ có một cuộc sống tử tế, cho phép họ có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và cải thiện cuộc sống.
Mức lương đó không đứng yên mà vận động theo khả năng thương lượng tập thể của người lao động với chủ sử dụng lao động, theo trượt giá sinh hoạt, theo mức sống dân cư và sự phát triển kinh tế. Mức lương đó phải được hỗ trợ bằng các phúc lợi khác và các lợi ích an sinh xã hội. Khi người lao động phải làm thêm giờ để nuôi sống gia đình, hay cho con đi học, hay trợ cấp bố mẹ già thì đó không phải là đồng lương đủ sống.
Khi người lao động phải cắt giảm chi tiêu tối thiểu vì giá cả sinh hoạt tăng lên mà đồng lương không theo kịp thì đó không thể gọi là đồng lương đủ sống. Khi người lao động không tiết kiệm nổi cho các khoản chi tiêu đột xuất thì đó cũng không thể gọi là đồng lương đủ sống.
Phóng viên: Có nên chăng quy định mức lương tối thiểu theo vùng hay là chỉ có một mức lương tối thiểu chung cho tất cả các khu vực sống thưa ông?
Trả lời: Theo tôi thì nên quy định mức lương tối thiểu vùng theo từng địa bàn, có sự phân biệt giữa đô thị lớn, đô thị vừa và khu vực nông thôn, bởi lẽ giá cả và nhu cầu sống tối thiểu ở các khu vực này là khác nhau.
Theo tôi thì chừng nào còn có sự khác biệt về mức sống của các vùng khác nhau thì chừng đó nhà nước còn cần phải có những quy định khác nhau dành riêng cho từng vùng về mức tiền lương tối thiểu để đảm bảo sự phù hợp.