Thất lạc tro cốt khi gửi tại chùa, ai chịu trách nhiệm?

Nội dung bài viết

Những ngày qua dư luận xôn xao trước vụ thất lạc tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP.HCM. Nhiều người đặt câu hỏi: “Việc các gia đình gửi tro cốt của người thân tại chùa đã trở nên phổ biến. Vậy khi tro cốt bị thất lạc, ai phải chịu trách nhiệm”?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, về trách nhiệm dân sự, BLDS 2015 nêu rõ, hợp đồng gửi giữ không nhất thiết lập thành văn bản, nó phát sinh ngay khi bên gửi đồng ý gửi và bên kia nhận giữ; bất kể có thù lao hay không thù lao. Điều đó có nghĩa khi người dân gửi tro cốt của người thân vào chùa, được nhà chùa đồng ý thì hai bên đã xác lập Hợp đồng gửi giữ tài sản.

Đây là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù, đồng thời là hợp đồng song vụ. Trong đó, bên nhận giữ tài sản phải bảo quản, trông coi tài sản, bên gửi tài sản có nghĩa vụ nhận lại tài sản khi bên giữ thông báo.

Về quyền và nghĩa vụ của bên giữ tài sản, bên giữ tài sản có quyền yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận hoặc trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công; Có quyền yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một khoảng thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không thời hạn.

Bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Bên giữ tài sản chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiểt nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; thông báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó.

Bên giữ tài sản có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản nhận giữ.

Thất lạc tro cốt khi gửi tại chùa, ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Các hũ tro cốt bị thất lạc biển tên tại chùa Kỳ Quang 2 ( Ảnh Zingnews.vn)

Bên gửi tài sản có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một khoảng thời gian hợp lý; Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ.

Ở đây hũ tro cốt được coi là vật gửi giữ - vật đặc định. Nhà chùa là bên cung cấp dịch vụ nên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng, thất lạc tro cốt đã được giao-Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Thiệt hại ở đây có thể xác định thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần, như kinh phí xét nghiệm ADN để xác định danh tính của những người đã khuất, những tổn hại về tinh thần của thân nhân…

Do có liên quan đến số lượng lớn tro cốt của người chết nên nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi trên có thể bị khởi tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Điều 319 BLHS 2015.

Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa; Vì động cơ đê hèn; Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

 

Link bài viết: https://anninhthudo.vn/that-lac-tro-cot-khi-gui-tai-chua-ai-chiu-trach-nhiem-post443876.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan