Dù đạt được nhiều thành quả sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn những nút thắt hạn chế dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Cùng với bối cảnh mới, chúng ta cần có các giải pháp, chính sách mới để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW chia sẻ ý kiến về những thách thức và tháo nút thắt khơi thông dòng vốn ngoại.
Những thách thức và Rào cản
Với chính sách mở cửa thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, cùng với nhiều chính sách ưu đãi, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản, nút thắt, khiến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam đang có.
Thứ nhất, rào cản về vấn đề pháp lý, sự thiếu ổn định về mặt chính sách đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Các quy định pháp luật vẫn còn chưa rõ ràng, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Điều này khiến cho một số nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy chưa hài lòng về khả năng đáp ứng những yêu cầu về công khai, minh bạch, ổn định trong suốt quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, cũng khiến cho các nhà đầu tư khó có thể dự báo trước về chính sách, luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Thứ hai, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan... cũng là rào cản cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bởi các
khâu xử lý thủ tục hành chính hiện vẫn còn phức tạp, quá nhiều quy định còn gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh, làm chậm quá trình kinh doanh đầu tư và đẩy lùi ý định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, kinh tế thế giới khó khăn tác động tới các nhà đầu tư, khiến họ phải tính toán lại ý định mở rộng, hoặc đầu tư mới.
Thứ tư, việc bảo đảm môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng tốt cũng là một thách thức đối với Việt Nam để có thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong cùng khu vực.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới vào đầu tư tại Việt Nam đang gặp khó khăn liên quan đến cơ chế cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài và phê duyệt hạ tầng phòng cháy chữa cháy... Việc chưa đáp ứng được nhu cầu về công nghệ cao, năng lượng, tài chính, đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.
Trong khi đó, mặc dù có sự cải thiện, nhưng vấn đề về hạ tầng giao thông, viễn thông, điện lực vẫn còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistics chưa phát triển đồng bộ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho đất nước, từ việc tạo ra việc làm, chuyển giao công nghệ, đến việc tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Có thể thấy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ đơn thuần là việc cung cấp nguồn tài chính, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ, cách quản lý và thị trường mới, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sự đổi mới và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Sự tăng cường này không chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn, mà còn mang lại tác động tích cực lâu dài cho tăng trưởng kinh tế toàn diện của đất nước, tạo nên sự năng động và đa dạng hóa kinh tế, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.
Do đó, việc tháo các nút thắt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Giải pháp khắc phục
Mặc dù có những thách thức và rào cản, cùng với bối cảnh nhiều bất ổn trên thế giới ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại với thị trường Việt Nam, nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta phải nắm bắt cơ hội này, có giải pháp nhanh chóng để có thể tháo gỡ những nút thắt, giúp thúc đẩy thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, cải thiện hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính. Việc đơn giản hóa các quy trình và đảm bảo tính minh bạch trong quy định sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Thứ hai, cần thay đổi chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, việc tập trung thu hút từ những tập đoàn lớn bằng các biện pháp như giảm thuế, giãn thuế có thể sẽ không còn phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất được áp dụng trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế để giữ chân nhà đầu tư hiện hữu và thu hút các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các “sếu đầu đàn” đến để lập cứ điểm sản xuất.
Theo đó, chúng ta cần tập trung đầu tư vào vốn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt về cảng, hạ tầng giao thông vận tải và năng lực của ngành logistics để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Thứ ba, cần chuẩn bị chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn, chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, mô hình quản lý hiện đại. Chủ động thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, chủ động. Với những dự án đặc biệt như dự án có nguồn vốn lớn, ngành nghề kinh doanh tập trung vào những mục tiêu trọng điểm quốc gia, thì nên có những chính sách riêng nhằm thu hút được hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Qua việc tháo nút thắt và áp dụng các giải pháp đã đề cập, Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển to lớn hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư quốc tế để tạo ra sự bứt phá trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Việc tháo nút thắt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách để nước ta có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững và tích cực hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Việc giải quyết các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.