THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẦU CỬ, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CỬ TRI

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch công ty luật TNHH SB Law sẽ tham gia trả lời phỏng vấn tại tọa đàm do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất để giải đáp các thắc pháp lý cho cử tri, nhằm hướng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. SB Law xin trân trọng giới thiệu nội dung cụ thể bài trả lời phỏng vấn như sau:

Câu hỏi 1: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp lần này được không ạ?

Luật sư:

Không chỉ riêng cuộc bầu cử lần này mà tất cả các cuộc bầu cử đều mang ý nghĩa quan trọng với người dân và với đất nước. Theo Hiến pháp thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Còn Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định.

Với những nhiệm vụ quan trọng như vậy thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải là những người tiêu biểu và xứng đáng. Và bầu cử chính là dịp để mỗi người dân lựa chọn ra những cá nhân nổi bật đại diện cho tiếng nói của mình trong nhiệm kì mới. Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Qua đó, người dân thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng cũng như quyền làm chủ của mình.

Dịp bầu cử lần này sẽ còn ý nghĩa hơn khi chúng ta đang ở trong một bối cảnh chính trị tương đối đặc biệt: đất nước có nhiều thay đổi, đạt được những thành tựu nhất định trên mọi lĩnh vực sau 35 năm đổi mới và chúng ta cũng đã vượt qua vô vàn thách thức, khó khăn từ dịch bệnh mang tên Covid 19.

Câu hỏi 2: Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân, câu nói này đã xuyên suốt lịch sử Việt Nam và nó có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay, đặt trong cái mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà?

Luật sư:

Qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân, nhân dân ủy quyền cho nhà nước quyền lực của mình. Mọi chính sách pháp luật của Nhà nước đều phải phục vụ nhân dân. Và câu nói “Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân” thể hiện rõ nhất những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính vì Nhà nước “của dân, do dân” nên người dân có quyền chọn ra những cá nhân xứng đáng có mặt trong tổ chức quyền lực là Nhà nước.

Song song với quyền, việc bầu cử cũng đồng thời là nghĩa vụ của mỗi công dân, thể hiện nhiệm vụ của nhân dân là cùng nhau tham gia vào tiến trình xây dựng đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Các đại biểu dân cử dưới sự tín nhiệm, sẽ đề xuất những chính sách, chủ chương phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân, với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Bên cạnh đó, phù hợp với mục tiêu xây dựng nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Vậy, tư tưởng “Lấy dân làm gốc” luôn được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, có ý nghĩa to lớn trong đại công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền. Cử tri phát huy hết quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó việc xây dựng phát triển đất nước luôn được quyết định theo phương hướng, nguyện vọng, vì quyền lợi của chính Nhân dân.

Câu hỏi 3: Những quy định về tiêu chuẩn của đại biểu QH và đại biểu HĐND cũng có nhiều điểm mới. So với luật cũ thì quy định trong Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015, các tiêu chuẩn đều được liên hệ với Luật tổ chức QH và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể những tiêu chuẩn này được nêu trong Luật như thế nào thưa luật sư?

Luật sư:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội:

Theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì đại biểu Quốc hội cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

(1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

(2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

(5) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

(6) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Thứ hai, về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân:

Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) như sau:

(1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

(2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

(5) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Câu hỏi 4: Cùng với những quy định chú trọng hơn trong tiêu chuẩn của đại biểu QH và đại biểu HĐND, một điểm mới nữa không thể nhắc đến trong Luật bầu cử 2015 so với Luật cũ đó đã được áp dụng trong kỳ bầu cử trước, đó là quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Thưa luật sư Hà, ông nhìn nhận như thế nào về điểm mới này?

Luật sư:

Bước vào thời kỳ hội nhập và triển, nhận thấy tầm quan trọng, đất nước ta đã từng bước đẩy mạnh vấn đề bình đẳng giới, tiêu biểu là việc Luật Bầu cử tiến hành gia tăng tỷ lệ nữ giới tham gia vào hệ thống chính trị. Nhìn ra các nước trên thế giới có thể thấy, tỷ lệ đại biểu nữ chính là thước đo cho sự phát triển của một quốc gia. Phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có ý nghĩa rất quan trọng, với những trải nghiệm khác biệt của họ trong cuộc sống, đại diện tiếng nói bình đẳng của phụ nữ trong đại diện nhân dân sẽ đảm bảo thi hành các chính sách mang tính toàn diện, bao trùm.

Việc thực hiện chính sách chủ trương đó sẽ đáp ứng được nhu cầu và lợi ích công bằng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Khi tham gia cơ quan dân cử, phụ nữ không chỉ phát huy được tài năng, trí tuệ của mình mà còn góp phần xóa các bỏ rào cản về giới tính, xóa bỏ tư tưởng “nam trưởng nữ phó” đã tồn tại bấy lâu nay.

Song song với việc quy định tỷ lệ nữ giới, tỷ lệ các đại biểu là người dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan dân cử cũng là mục tiêu quan trọng được Đảng và Nhà nước hướng đến. Đại biểu Quốc hội là người dân tộc mang ý nghĩa rất lớn khi họ là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đồng bào dân tộc.

Việc tăng cường tỷ lệ Đại biểu là người dân tộc, vùng sâu vùng xa sẽ tạo điều kiện nắm sát hơn những khó khăn còn tồn đọng, càng hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ thì những chính sách nâng cao đời sống, giải quyết những vướng mắc của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ càng phát huy được tác dụng.

Bên cạnh đó, việc thực thi đồng bộ cơ chế, chủ trương nhằm thu hút nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế-xã hội tại vùng biên giới gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Các đại biểu người dân tộc có năng lực, dám nghĩ dám làm và có tiếng nói trong cộng đồng chính là “Cánh tay nối dài” giúp cụ thể hóa và đem lại hiệu quả trong công cuộc thực hiện những chính sách xây dựng đất nước.

Câu hỏi 5: Việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở các địa phương, do những chủ thể nào có trách nhiệm tổ chức thực hiện?

Luật sư:

Khoản 6 Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định:

  • Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội tại địa phương;
  • Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tương ứng; các Ban bầu cử, Tổ bầu cử thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Câu hỏi 6: Thưa luật sư Hà xin ông cho biết trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ trong công tác bầu cử theo quy định của pháp luật hiện hành?

Luật sư:

Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định như sau về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, cụ thể:

  • Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
  • Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
  • Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.

Câu hỏi 7: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo ông thế nào là bầu cử dân chủ, đúng pháp luật?

Luật sư:

Một cuộc bầu cử được coi là bầu cử dân chủ và đúng pháp luật phải bảo đảm các yếu tố sau đây:

- Việc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015;

- Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử. Quy định cụ thể những trường hợp bị tước quyền bầu cử, ứng cử; những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử và những trường hợp không tham gia bầu cử;

- Quy định rõ quy trình, thủ tục, các bước giới thiệu người ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử, bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung để bảo đảm lựa chọn được những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Bảo đảm quyền của cử tri nơi người ứng cử công tác, làm việc, cư trú được nhận xét, bày tỏ ý kiến của mình về sự tín nhiệm đối với người ứng cử;

- Quy định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bầu cử;

- Việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng; các vi phạm về bầu cử phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Câu hỏi 8: Chúng ta cần chú ý những yếu tố nào để đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch, đúng luật trong bầu cử nói chung và trong việc tổ chức các hội nghị ứng cử viên với cử tri nói riêng?

Luật sư:

Thứ nhất, các thông tin tuyên truyền phải luôn bám sát tiến độ triển khai công tác bầu cử. Qua đó, người dân sẽ dễ dàng nắm bắt được Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và nhất là những điểm mới trong công tác bầu cử; phổ biến cho ứng cử viên nhận biết rõ những điều pháp luật nghiêm cấm trong công tác vận động bầu cử.

Thứ hai, cần tập trung tuyên truyền về ứng cử viên với tần suất càng cao để cử tri nắm rõ thông tin tiểu sử, năng lực và quá trình công tác, phấn đấu, phẩm chất đạo đức của người ứng cử từ đó quyết định bầu cho ai; tuyên truyền các quy định về trình tự, thể thức bầu cử, … nếu không đi bầu, bầu hộ, bầu thay ảnh hưởng thế nào, bầu không đủ đối tượng, không có trong danh sách ứng cử viên thì vi phạm ra sao. Thông qua đó, động viên khích lệ cử tri tin tưởng, nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác đi bầu, lựa chọn những người đại diện xứng đáng tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Câu hỏi 9: Việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật?

Luật sư:

Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015 quy định như sau:

Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử:

  1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;
  2. Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;
  3. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Câu hỏi 10: Thực tế những cuộc bầu cử trước đây cũng đã có hiện tượng sử dụng các lời hứa hẹn để vận động bầu cử, thu hút phiếu bầu của cử tri. Luật sư Hà nhìn nhận về hiện tượng này như thế nào ạ?

Luật sư:

- Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Việc vận động bầu cử phải đảm bảo các yêu cầu sau (theo Điều 63 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 2015):

  • Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
  • Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

- Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử theo Điều 68 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND 2015 bao gồm:

  • Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
  • Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
  • Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Tại các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, người ứng cử đại biểu thường đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nếu trúng cử, họ sẽ có điều kiện thực hiện lời hứa trước cử tri cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế thì đây có thể chỉ là những “lời hứa suông”.

Câu hỏi 11: Có một hiện tượng là đi bầu cử hộ, tại nhiều gia đình là 1 người đi bầu đại diện cho cả nhà. Thưa luật sư Hà, ông thấy sao về hiện tượng này, và làm như vậy thì có đúng luật không?

Luật sư:

Theo quy định của Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác đi bầu cử thay, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, trừ trường hợp sau:

– Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

– Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Do đó, nếu không thuộc một trong các trường hợp trên mà các thành viên trong gia đình nhờ một người đứng ra cầm phiếu và bầu cử hộ là không đúng theo quy định pháp luật.

Câu hỏi 12: Vậy thưa ông, theo quy định của pháp luật, như thế nào được coi là hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử và những người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư:

Có thể hiểu đơn giản rằng, hành vi phạm pháp luật về bầu cử đó là những hành vi làm trái các quy định của pháp luật về bầu cử, bao gồm: Dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội của công dân; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử; cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về bầu cử.

Các hành vi vi phạm được liệt kê trên đây, tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 160 và 161 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân trong bầu cử như sau:

Điều 160. Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

  1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 161. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân

  1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với những hành vi xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử; phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm đối với những hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân. Hơn nữa, người phạm tội cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Câu hỏi 13: Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: “Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri”. Đồng thời, Luật đã bổ sung quy định về quyền bầu cử của người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính vì vậy, đây cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Có ý kiến cho rằng, khi đã bị tạm giam, tạm giữ nghĩa là đã mất quyền công dân. Thưa luật sư Hà, ông có ý kiến gì về thắc mắc này?

Luật sư:

Khoản 5 Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Khái niệm “Người bị tạm giam” và “Người bị tạm giữ” được Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 định nghĩa như sau:

  • Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
  • Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp sau:

  • Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án;
  • Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Theo đó, quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân. Người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử, trừ các trường hợp nêu trên vì về mặt pháp lý, những người này chưa bị coi là có tội nên không bị tước mất quyền bầu cử.

Câu hỏi 14: Có một thính giả ở hòm thư của chương trình đặt câu hỏi như thế này: Thưa luật sư, con trai tôi đang cai nghiện tập trung tại một trung tâm cai nghiện ở huyện Sóc Sơn và dự kiến đến giữa tháng 5/2021 sẽ được ra khỏi trung tâm. Gia đình tôi cần làm những thủ tục gì để cháu được thực hiện quyền bầu cử của mình?

Luật sư:

Theo như thông tin thính giả đã cung cấp, trường hợp đang cai nghiện tập trung thuộc vào trường hợp nêu tại Khoản 5 Điều 29 Luật Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 như sau: “[…]5. Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.”.

Cử tri được quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Con trai anh/chị dự kiến đến giữa tháng 5/2021 sẽ được ra khỏi trung tâm cai nghiện. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Do đó, con trai anh/chị sẽ được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoặc được bổ sung vào danh sách, cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Câu hỏi 15: Thưa luật sư theo quy định của pháp luật thì những trường hợp cụ thể nào không được tham gia ứng cử và bầu cử?

Luật sư:

Về vấn đề này, trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã có quy định rất rõ ràng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 37 của Luật, những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân bao gồm:

  • Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
  • Người đang bị khởi tố bị can.
  • Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
  • Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
  • Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Còn về trường hợp không được phép tham gia bầu cử, thì cũng theo Điều 30, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri là:

  • Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án;
  • Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự.

Câu hỏi 16: Một câu hỏi cuối xin dành cho luật sư Hà, ông có những kỳ vọng gì về kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp và đại biểu quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới?

Luật sư:

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được gọi là ngày hội của toàn dân. Do đó, Cuộc bầu cử phải đảm bảo được tính dân chủ, đồng thời phải được thực hiện đúng pháp luật.

Nhưng quan trọng nhất, cuộc bầu cử phải chất lượng, cơ cấu hợp lý. Trong đó lấy chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu. Đại biểu trúng cử phải có đủ cả phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ văn hóa, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, phải có tầm nhìn, bản lĩnh chính trị tốt, vững vàng thì mới có thể lãnh đạo đất nước.

Hy vọng rằng Cuộc bầu cử sẽ diễn ra một cách công bằng để chọn ra những vị lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc nhất. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia vào các cơ quan có quyền lực nhà nước.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan