Thưa quý vị, đầu tháng 10-2022, tin vui đến với gia đình ông Hồ Quang Cua khi 3 nhãn hiệu "Gạo Ông Cua Viet Nam", "Gạo Ông Cua Viet Nam ST24 Rice" và "Gạo Ông Cua Viet Nam ST25 Rice" kèm logo đã được Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Úc cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Đây là tin vui không chỉ với ông Hồ Quang Cua, mà còn là tin vui với ngành lúa gạo VN, khi chúng ta vẫn giữ được thương hiệu ST24, ST25 trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài tự ý đi đăng ký sở hữu. Sự việc kéo dài cũng đã hơn 1,5 năm. Câu chuyện DN việt Nam bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không còn xa lạ, nhưng sẽ thật không thỏa đáng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, cản trở quá trình phục hồi của DN giai đoạn hậu covid-19
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn
Câu 1: Thưa ông/bà, xét về các thủ tục bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các nước trên thế giới, cụ thể ở đây là Úc và Mỹ, có sự khác biệt và phức tạp như thế nào?
Trả lời:
Tài sản trí tuệ là những thành quả do quá trình tư duy, hoạt động trí tuệ của con người tạo ra. Vậy nên có thể hiểu, “sở hữu trí tuệ” là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ. Bảo hộ sở hữu trí tuệ xuất phát từ việc bảo vệ các hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật hợp pháp.
Những năm gần đây, việc nhà sáng tạo gốc đã đầu tư “chất xám” đáng kể vào việc tạo ra và phát triển sản phẩm mới, nhưng đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đó mà chẳng mất một chút sức lực nào cho thành quả sáng tạo và sáng chế của họ khá phổ biến. Từ đây, tạo áp lực lên chủ sở hữu sản phẩm gốc, thậm chí có những sản phẩm gốc bị chính sản phẩm “copy” đó đánh bật khỏi thị trường. Điều đó thể hiện tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của các đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.
Do quyền sở hữu trí tuệ là “quyền có tính lãnh thổ”, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước (ví dụ, nước Việt Nam) hoặc trong lãnh thổ một khu vực (ví dụ, trong lãnh thổ các nước thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI)) nơi đăng ký và nhận được sự bảo hộ. Vậy nên mặc dù đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra những hiện tượng xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhà sáng tạo gốc ở những nước khác. Một trong những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam khi đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài nói chung và tại Úc và Mỹ nói riêng đó là vấn đề ngôn ngữ và không am hiểu pháp luật nước sở tại. Do đó tôi xin chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản sau:
Tại Australia, các hình thức chủ yếu để bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm bằng sáng chế; bản quyền; thương hiệu; thiết kế. Các hình thức bảo hộ này được điều chỉnh bởi pháp luật. Tại Việt Nam các hình thức chủ yếu để bảo hộ sở hữu trí tuệ gồm quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan; quyền liên quan đến giống cây trồng.
Pháp luật Úc (cũng như Mỹ) theo nguyên tắc “first to use” tức ưu tiên những người sử dụng nhãn hiệu trước. Điều này, khác với Việt Nam hay Trung Quốc theo nguyên tắc “first to file” tức ưu tiên chủ thể đăng ký nhãn hiệu trước. Do đó, tại Úc việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế rất quan trọng.
Bên cạnh đó, theo quy định về sở hữu trí tuệ của Australia, doanh nghiệp Việt Nam khi nộp đơn tại cơ quan sở hữu trí tuệ Australia thì cần thông qua đại diện sở hữu trí tuệ tại nước sở tại.
Tại Úc thông thường nếu mẫu nhãn hiệu nộp hồ sơ để đăng ký có hình ảnh của một người cụ thể, Cục SHTT Úc sẽ yêu cầu cung cấp giấy xác nhận của chủ nhân hình ảnh đó trong việc cho phép sử dụng hình ảnh dùng làm nhãn hiệu. Do đó, có nhu cầu sử dụng hình ảnh, chân dung của một ai đó cụ thể khi tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Úc thì cần cân nhắc liệu mình có chính là nhân vật hình ảnh hoặc mình có thể xin phép về việc sử dụng hình ảnh đó hay không. Từ đó, hạn chế việc tốn thời gian, tài chính… nhưng nhãn hiệu không được bảo hộ, do không xin được sự chấp nhận cho việc sử dụng hình ảnh.
Sau khi nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Úc, chủ doanh nghiệp nên tiến hành sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh của mình tại nước này. Bởi theo quy định của luật Nhãn hiệu Úc, nếu trong vòng ba năm một tháng tính từ ngày nộp đơn đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ mà chủ nhãn hiệu không sử dụng thì vẫn có nguy cơ bị một bên khác nộp đơn đến Cục SHTT Úc yêu cầu hủy bỏ do việc không sử dụng.
Muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ thì trước tiên nhãn hiệu đó cần được xem xét có thỏa mãn đủ các điều kiện để được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ của Mỹ hay không. Luật sở hữu trí tuệ của Mỹ quy định những điều kiện sau để một nhãn hiệu được bảo hộ, đó là:Nhãn hiệu đã sử dụng tại Mỹ; Nhãn hiệu có dự định sử dụng tại Mỹ; Nhãn hiệu đã nộp đơn tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặc của của thỏa ước về nhãn hiệu hàng hoá mà Mỹ công nhận); Nhãn hiệu đã đăng ký tại một nước khác (là thành viên của Công ước Paris hoặc của thỏa ước về nhãn hiệu hàng hoá mà Mỹ công nhận).
Câu 2: Luật sư hãy cho biết số các vụ kiện tụng vi phạm luật sở hữu trí tuệ giai đoạn qua, đặc biệt là giai đoạn hậu covid-19 đã đẩy các DN rơi vào tình trạng khó khăn như thế nào trong việc phục hồi phát triển KD của DN?
Trả lời:
Tài sản sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình và thường được xem là tài sản có giá trị cao của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, chính những giải pháp sáng tạo, những công trình nghiên cứu, những nhãn hiệu hàng chục tuổi hoặc những sáng chế có được… là nội lực bên trong giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, phát huy giá trị một cách tốt nhất. Đặc biệt trong giai đoạn hậu covid 19, những tài sản sở hữu trí tuệ trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến lúc nhận ra tài sản của mình bị xâm phạm, bị tranh chấp thì rơi vào tình cảnh “được vạ thì má đã sưng”.
Khi phải tranh chấp quyền không chỉ tốn kém chi phí, nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thiệt hại đủ đường. Thời gian để đi theo các vụ kiện tụng, tranh chấp rất dài, để chứng minh các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình rất mất thời gian và công sức. Hơn thế, chi phí phát sinh ra cũng rất lớn, ảnh hưởng từ việc tranh chấp có thể dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, lợi nhuận giảm mà chi phí nhân lực nhà xưởng vẫn phải trả.
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup có nguồn lực hạn chế, nếu không chú trọng tính cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu ngay từ đầu thì khi bước ra thị trường toàn cầu, chỉ cần một vụ việc xâm phạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh, liên quan đến pháp lý kiện tụng, có thể sẽ mất khả năng ứng phó, duy trì hoạt động...
Câu 3: Vậy trong trường hợp chúng ta bị các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký thành công sở hữu thương hiệu rồi, thì chúng ta có thể lấy lại được thương hiệu hay không? Và cách làm như thế nào?
Trả lời:
Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không hoặc chậm đăng ký nhãn hiệu, để đối thủ "nhanh chân" đăng ký trước tại thị trường quốc tế. Trong số đó những trường hợp có thể đòi lại thương hiệu tại thị trường nước ngoài là rất ít và dù có lấy được thì cũng tốn rất nhiều công sức cũng như chi phí để đòi lại. Nếu xảy ra trường hợp đó thì chúng ta có những phương án giải quyết như sau:
Phương án 1: Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng biện pháp hòa giải, thương lượng.
Khi có tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu phát sinh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bên thì bên bị xâm phạm có thể yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt ngay hành vi đó và bồi thường các thiệt hại phát sinh (Nếu có). Việc thương lượng, hoà giải giúp cho các bên tiết kiệm được chi phí, không bị ràng buộc bởi các thủ tục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi dựa trên sự tự nguyện của các bên mà không có chế tài nào áp dụng.
Phương án 2: Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng việc khởi kiện ra tòa án.
Khi hai bên không thể thương lượng; hòa giải thì bên bị xâm phạm có quyền khởi kiện bên xâm phạm ra Tòa án theo pháp luật nước đó quy định.
Câu 4: Về mặt Pháp lý, thì ông có thể đưa ra các giải pháp giúp DN Việt Nam chấm dứt được tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” trong vấn đề xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ? Bởi ở Việt Nam, vấn đề về bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ, trong vài năm gần đây mới bắt đầu đẩy mạnh.
Trả lời :
Thứ nhất, vì các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là tài sản trí tuệ của cá nhân và doanh nghiệp tạo ra nó và chỉ có thể được xác lập quyền trên cơ sở đăng ký, nên việc chủ động đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp nên tiến hành thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài để nắm thế chủ động trong kế hoạch kinh doanh tại nước ngoài.
Thứ hai, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như đăng ký nhãn hiệu với mục đích là xác lập quyền sở hữu cho chính doanh nghiệp (quyền tư hữu), là bước quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ (tài sản vô hình) cho chính nên nó phải là trách nhiệm, công việc của chính doanh nghiệp, chứ không phải ai khác. Do đó, các các doanh nghiệp, cá nhân cần chủ động thực hiện việc đăng ký, không ỷ lại, trông chờ vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nhà nước nào khác.
Thứ ba, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, thời gian và chi phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi xảy ra tranh chấp luôn ít và tiết kiệm hơn thời gian và chi phí cho việc giải quyết tranh chấp để lấy lại quyền sở hữu trí tuệ.
Và cuối cùng, đăng ký bảo hộ thương hiệu/nhãn hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ là việc tạo dựng công cụ bảo vệ thị phần và là công cụ marketing hữu hiệu để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài.