Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW dành cho kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam phần trả lời phỏng vấn với nội dung về thành tựu lập pháp của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15.
1/ Ông đánh giá thế nào về khối lượng kỷ lục dự án luật được thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp này, đã được các đại biểu tập trung cao độ, cho ý kiến kỹ lưỡng ra sao?
Trả lời:
Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15 đã ghi nhận một khối lượng kỷ lục các dự án luật được thảo luận và xem xét thông qua. Với khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng, các vị đại biểu Quốc hội nêu cao sự chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, các vấn đề thảo luận. Tại kỳ họp này, 10 dự án luật đã được thông qua; xem xét, thông qua 3 dự thảo nghị quyết; và xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật. Đây là một con số kỷ lục, thể hiện sự quyết tâm đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trong công tác lập pháp. Các dự án luật thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm: đầu tư, doanh nghiệp, thương mại, lao động, bảo hiểm xã hội, hải quan,... đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án luật được thảo luận kỹ lưỡng, với nhiều ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Các đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến thảo luận tại hội trường, công tác tổng hợp của thư ký rất nhanh và kịp thời, đồng thời dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, thảo luận các dự án luật, thể hiện sự tập trung cao độ và tinh thần trách nhiệm trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Việc thảo luận đã diễn ra một cách dân chủ, cởi mở, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhờ đó, chất lượng các dự án luật được thông qua đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. nâng cao tính thực tiễn, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
2/ Ngay tại kỳ họp, theo đề nghị của chính phủ, Quốc hội đã bổ sung thêm dự án 1 luật sửa 4 luật (gồm đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các tổ chức tín dụng) và sửa về điều khoản thi hành. Ông đánh giá thế nào về việc bổ sung dự thảo luật quan trọng này, sẽ có tác động như thế nào đến khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển?
Trả lời:
Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng được Quốc Hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục những tồn tại bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết đánh giá từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Đặc biệt các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như: chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; quy định mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; người sử dụng đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyên, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai…
Việc bổ sung dự thảo luật quan trọng này cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trong hạn mức giao đất; mở rộng phạm vi chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp từ địa bàn cấp xã lên địa bàn cấp tỉnh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.
Bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không; Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất… Đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, thực hiện thủ tục hành chính.
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng trong quản lý, khắc phục những tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở (các phân khúc), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản, đặc biệt là các quy định giải quyết chính sách nhà ở các đối tượng người có công, người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân...; giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với việc quản lý, vận hành nhà chung cư.
Điều này cũng tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Luật Đất đai có nhiều nội dung mới về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, về tài chính đất đai, giá đất… đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai của doanh nghiệp. Hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Luật Đất đai đã bổ sung 08 điều để quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân và một số trường hợp khác nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất theo hướng có lợi nhất.
3/ Ông chia sẻ gì cùng các đại biểu về những lo ngại trong tiến độ xây dựng thông tư, nghị định để kịp thời đưa luật này vào cuộc sống?
Trả lời:
Để đảm bảo luật thi hành sớm có hiệu quả tác động lớn đến người dân, tôi cũng như các đại biểu mong Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của mình, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời, sau khi các luật này được thông qua ngày 01/8/2024 để dễ dàng thực hiện, không bị chênh, bất cập, không vướng mắc và kịp thời, đúng lúc.
Những nội dung được quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Có rất nhiều lợi ích từ việc các Luật này có hiệu lực sớm hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực không nhỏ trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản hướng dẫn cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành.
Đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; trong khi 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành. Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở; ngoài ra có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được).
4/ Theo ông, việc thông qua Luật thủ đô, các cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng, Nghệ An sẽ tạo không gian phát triển rộng mở như thế nào cho các địa phương, từ đó làm nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội cho đất nước trong giai đoạn tới?
Trả lời:
Việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và các cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Đà Nẵng, Nghệ An tại kỳ họp sẽ mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội không chỉ của các địa phương này mà còn của cả nước trong giai đoạn tới. Những thay đổi này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.
Luật thủ đô (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, vừa là thủ đô vừa là đầu tàu của cả nước. Hà Nội sẽ được trao quyền tự chủ và linh hoạt hơn trong quản lý và quy hoạch đô thị, giúp thành phố giải quyết các vấn đề về giao thông, môi trường, và cơ sở hạ tầng một cách hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thu hút đầu tư.
Các cơ chế chính sách đặc thù sẽ cho phép Đà Nẵng phát triển các dự án hạ tầng quy mô lớn, như cảng biển, sân bay, và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Từ đó tăng cường năng lực logistics và kết nối khu vực, giúp thành phố trở thành một trung tâm kinh tế, công nghệ và du lịch quan trọng. Trong khi đó, Nghệ An có thể cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển các khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc nhận được các chính sách hỗ trợ đặc thù.
Các cơ chế chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và hạ tầng cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng, sự phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch của các địa phương, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, việc làm và thu nhập của người dân từ đó được nâng cao, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, việc phát triển các địa phương khác như Đà Nẵng và Nghệ An sẽ giảm bớt áp lực đô thị hóa đối với Hà Nội và TP.HCM, giúp phân bổ dân cư và tài nguyên một cách hợp lý hơn. Các chính sách đặc thù sẽ thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, giảm chênh lệch kinh tế và xã hội giữa các khu vực, các địa phương có điều kiện đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ công.
|