Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Nghị định 08/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là quy định cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán với trái chủ để thanh toán trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Phương thức này một mặt tháo gỡ được điểm nghẽn trái phiếu đáo hạn, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, mặt khác lại tiềm ẩn những khó khăn trong quá trình đàm phán, đòi hỏi các bên liên quan phải thực sự hợp tác và nỗ lực.
Đề cao thoả thuận giữa doanh nghiệp và trái chủ
Theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Việc này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải đảm bảo tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.
Nếu quy định này được thực hiện sẽ là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ bế tắc cho các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản khi nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn về dòng tiền để đáo hạn trái phiếu. Theo chuyên gia chứng khoán Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, thông qua việc tận dụng được tài sản hiện có của nhiều tổ chức phát hành vào quá trình thanh toán nợ cho trái chủ, quy định mới này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để các bên có cơ hội đàm phán, đi đến thống nhất phương án thanh toán nợ mới phù hợp với tình trạng tài chính khó khăn của nhiều tổ chức phát hành hiện nay. Dưới góc độ chủ trái phiếu thì việc nhận tài sản khác, có thể là bất động sản, cũng là một lựa chọn có thể tham khảo trong điều kiện họ không chấp nhận các điều kiện gia hạn nợ của tổ chức phát hành.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó có đến 120.000 tỷ đồng là trái phiếu bất động sản đáo hạn, quy định này của Nghị định 08/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp.
Nhận định về quy định có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw cho rằng, đây là giải pháp tạm thời để cứu nguy cho doanh nghiệp hiện nay. “Quy định nêu rõ có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác nhưng phải tuân theo quy định của Luật Dân sự và pháp luật có liên quan, đặc biệt phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Như vậy, quy định này đề cao thoả thuận giữa doanh nghiệp và các trái chủ. Nếu những nhà đầu tư này không đồng ý thì phía doanh nghiệp vẫn buộc phải thanh toán theo thoả thuận trước đó. Quy định có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác sẽ giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và giảm lượng cung trái phiếu trên thị trường, qua đó có thể giảm xác suất bán tháo", luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.
Phương thức "hàng đổi hàng" cần phải được minh bạch
Xung quanh những lo ngại về việc cho phép thực hiện hoán đổi trái phiếu bằng tài sản sẽ tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp thoải mái phát hành trái phiếu, khi sản phẩm bất động sản không bán được thì sẽ trả nợ trái chủ bằng cách chuyển đổi sang tài sản khác, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng điều này không đáng ngại, bởi nếu làm vậy họ sẽ khó nhận được sự chấp thuận từ phía các trái chủ. Bên cạnh đó, trên thực tế trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, họ gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền chứ không phải vi phạm sai trái, do đó, nếu không có các giải pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp có thể phá sản trong sự không mong muốn.
Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này trên thực tế không hề dễ dàng. Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, việc thực hiện giải pháp này có thể sẽ gặp khó khăn, khó đi đến thống nhất nếu như doanh nghiệp phát hành đưa ra mức định giá tài sản ở mức giá cao, cao hơn nhiều so với giá giao dịch của thị trường trước khi Nghị định 08/NĐ-CP được ban hành. Thậm chí, một số DN có thể quy định tỷ lệ chuyển đổi khoản nợ trái phiếu sang thanh toán bằng tài sản khác chỉ ở mức 50% hoặc 70%, đồng nghĩa với việc nếu nhà đầu tư chấp thuận phương án thanh toán bằng tài sản thì có thể phải nộp thêm tiền mặt để có thể nhận tài sản mà tài sản đó lại có thể được định giá ỏ mức rất cao. Điều này dẫn đến thực tế là nhà đầu tư chịu nhiều thiệt thòi, đây là khúc mắc lớn nhất trong việc sử dụng tài sản là bất động sản để hoán đổi cho một khoản nợ trái phiếu phải thanh khoản bằng tiền mặt. “Để tháo gỡ khúc mắc này, cần một tổ chức định giá trung gian khách quan tham gia vào quá trình định giá tài sản dùng để hoán đổi giữa tổ chức phát hành và trái chủ, để đảm báo tính công bằng và lợi ích của hai bên”, ông Ngọc kiến nghị.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, quy định này cũng tiềm ẩn những rủi ro cho trái chủ, bởi việc thanh toán bằng tài sản khác cần được quy định minh bạch và rõ ràng hơn đối với từng loại trái phiếu cũng như cần làm rõ về thời gian thanh toán, hình thức quy đổi từ trái phiếu sang tài sản… Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc đàm phán có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề về tính pháp lý của tài sản, lộ trình và khả năng thanh toán. Trong trường hợp trái chủ được thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác thì tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao, đây là vấn đề mấu chốt. Nếu hai bên không thể thống nhất, nhà phát hành phải có kế hoạch để đảm bảo xử lý các nghĩa vụ tài chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực sự tạo ra được những chuyển biến tích cực trong thanh toán trái phiếu đến hạn, các tổ chức phát hành phải thực sự có thiện chí, nghiêm túc trong việc đàm phán với trái chủ, công khai, minh bạch để có được phương án hoán đổi tài sản với giá thị trường, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của trái chủ. Cùng với đó, cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành và thiện chí của nhà đầu tư trong chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp phát hành cũng như sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý để giúp hai bên tìm được tiếng nói chung.