Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là một doanh nghiệp FDI, có vốn đầu tư từ Singapore, chúng tôi có câu hỏi như sau:
Liên quan tới việc thanh lý tài sản của Công ty, theo Luật có bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá tài sản hay không? Đều là tài sản đã hết khấu hao theo đăng ký và trên sổ sách.
Bên Công ty có thể chủ động bán tài sản này cho 1 bên nào đó có nhu cầu không? Tất nhiên sẽ có sự phê duyệt của Ban giám đốc về việc bán thanh lý này.
Và quy chế tài chính của công ty sẽ cho phép thực hiện việc đó.
Luật sư trả lời: Về vấn đề doanh nghiệp hỏi, luật sư SBLAW trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm 3.2.2, Khoản 3, Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì đối với trường hợp thanh lý tài sản cố định có quy định:
Tài sản cố định thanh lý là những tài sản hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Khi có TSCĐ thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ.
Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài chính và lập Biên bản thanh lý tài sản cố định.
Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản chuyển cho phòng kế toán để theo dõi ghi sổ, 1 bản bàn giao cho bộ phận quản lý, sử dụng TSCĐ.
Trong trường hợp doanh nghiệp có liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, thì doanh nghiệp nên cân nhắc thuê một bên độc lập định giá tài sản và sử dụng hình thức đấu giá hoặc áp dụng chào mua cạnh tranh.
Việc áp dụng chế độ này cũng không phải là yêu cầu bắt buộc của luật mà là thông lệ thường thấy ở các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước.