Qua quá trình tư vấn của mình, S&B Law nhận thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tiến vào thị trường dịch vụ của Việt Nam. Đây được coi là một thị trường có nhiều tiềm năng và sơ khai, chưa được khai thác hết.
Nhiều nhà đầu tư có hỏi vấn đề liên quan tới thủ tục thành lập doanh nghiệp thực hiện dịch vụ sơn. Vậy, trong lĩnh vực này, nhà đầu tư có thể kinh doanh ở Việt Nam và lập doanh nghiệp không?
Đối với lĩnh vực đầu tư là dịch vụ sơn, đây là ngành nghề được xếp vào mã CPC 885– Dịch vụ liên quan đến sản xuất và cũng theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì “Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không được vượt quá 50%. 5 năm sau đó: cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài”;
Như vậy là, đến thời điểm hiện tại, tháng 2 năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài không thể thành lập được doanh nghiệp 100% vốn mà chỉ có thể thành lập được dưới hình thức liên doanh giữa Nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài dưới hình thức công ty cổ phần và công ty TNHH.
Tỷ lệ góp vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong liên doanh tối đa là 50% vốn Điều lệ.
Một trong những lưu ý cho nhà đầu tư nước ngoài là do ngành nghề dịch vụ sơn có tính chất tạo ô nhiễm môi trường nên tốt nhất phải được đặt trong khu công nghiệp, nơi có hạ tầng tốt và có hệ thống xử lý môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là không phải khu công nghiệp nào cũng cho phép. Ví dụ, khu tập trung sản xuất thực phẩm thì không chấp nhận việc lập nhà máy thực hiện dịch vụ này;
Về vấn đề liên quan tới nhà xưởng, nhà đầu tư có thể thuê đất rồi xây Nhà xưởng hoặc thuê Nhà xưởng có sẵn. Trường hợp thuê nhà xưởng có sẵn thì lưu ý các Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng/sở hữu, vấn đề phòng cháy chữa cháy, vấn đề đánh giá tác động môi trường…