Trong bài viết “Tháng khuyến mại: Khách hàng có cơ hội” của tác giả Huệ Linh – Ngọc Hân được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, luật sư thành viên của Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Đa dạng chiêu khuyến mãi
Theo khảo sát của chúng tôi, mặc dù các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm treo đầy băng rôn quảng cáo thông tin về Tháng Khuyến mãi trên địa bàn thành phố song số lượng khách hàng đến đây mua sắm vẫn khá thưa thớt.
Dạo quanh một số trung tâm mua sắm trên địa bàn Hà Nội, chỉ thấy khách hàng đến xem là chính. Mặc dù tại nhiều gian hàng những tấm biển giảm giá được bầy khá trang trọng nhưng số người vào xem chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người tỏ ra lo ngại về chất lượng hàng khuyến mãi.
Chị Nguyễn Thu Hà, ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên thắc mắc: “Tôi được biết khi khuyến mãi doanh nghiệp chỉ đăng ký với cơ quan quản lý, không ký kết thỏa thuận với người tiêu dùng, nên trong trường hợp nếu doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi không đúng thời gian hay bán hàng khuyến mãi không đúng giá, không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng không biết kêu ai. Cách đây không lâu, tôi mua một bộ quần áo và được cửa hàng khuyến mãi một chiếc áo ngủ nhưng khi đem về thử thì chất liệu xấu, không mặc vừa. Hàng khuyến mãi thường không được thử nên đây như hình thức “ép” khách hàng”.
Một trong những chiêu khuyến mãi khá phổ biến được các đơn vị đưa ra như tặng phiếu mua hàng có giá trị khi khách hàng mua bất kỳ một sản phẩm nào tại cửa hàng. Tuy vậy, khi đến mua hàng, khách hàng có tìm mỏi cả mắt vẫn không tìm thấy món đồ có giá trị tương đương với phiếu mua hàng được tặng. Ngoài ra, để thu hút khách, một vài hãng thời trang đã tung ra chương trình khuyến mãi duy nhất trong năm là giảm giá 50% tất cả sản phẩm.
Điều đáng nói là thời gian khuyến mãi bắt đầu từ lúc sáng sớm và chỉ diễn ra trong vòng ít giờ đồng hồ, không rơi vào ngày nghỉ nên đã khiến không ít khách hàng có ý định đi mua hàng giảm giá đành phải để “cơ hội” tuột mất. Bên cạnh đó, không ít cửa hàng cũng tung ra các chiêu khuyến mãi không rõ ràng khi mức giảm giá sản phẩm trên thực tế và trên thông báo không đồng nhất. Hiện tại, việc chọn giờ vàng để tung ra các chương trình khuyến mãi là hình thức phổ biến đối với nhiều đơn vị. Song hầu hết các doanh nghiệp thường chọn khung giờ vàng mang tính đánh đố khách hàng.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin
Theo phản ánh của một số chủ doanh nghiệp, để hưởng ứng Tháng Khuyến mãi, đơn vị sản xuất hàng thời trang có thể giảm tới 60% vẫn có thể có lãi, nhưng nhiều doanh nghiệp khác, mức lãi thấp nên không thể giảm giá sản phẩm tới 40-50%. Mức giảm này sẽ khiến doanh nghiệp thua lỗ. Do vậy, chỉ có những doanh nghiệp “siêu lợi nhuận”, giá bán cao hơn nhiều so với giá thành mới có thể giảm sâu mà vẫn lãi.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, điểm mới của Tháng Khuyến mãi 2010 là Ban tổ chức sẽ tổ chức 2 “Ngày Vàng” vào ngày 13 và 14-11-2010. Khi tham gia chương trình này, Ban tổ chức đã yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá từ 20 – 50% cho ít nhất 20% mặt hàng doanh nghiệp đang kinh doanh có giá trị từ 200.000 đồng/sản phẩm trở lên.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, được biết, trong Tháng Khuyến mãi, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai kiểm tra các địa điểm có khuyến mãi và duy trì thường xuyên trong Tháng Khuyến mãi, nếu phát hiện những sai phạm trong việc khuyến mãi sẽ xử phạt nghiêm minh.
Mặc dù vậy, theo qui định, các doanh nghiệp bán hàng khuyến mãi phải đăng ký với Sở Công Thương Hà Nội chương trình khuyến mãi cụ thể và người tiêu dùng có thể phản ánh và có căn cứ chứng minh các trường hợp doanh nghiệp bán hàng khuyến mãi “có vấn đề”, song việc người tiêu dùng chứng minh được vi phạm của nơi bán không hề dễ dàng.
Ngoài ra, công tác thực thi trong khâu kiểm tra về giá cũng như chất lượng hàng hóa chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra một cách triệt để. Điều này khiến khách hàng không thể biết hàng hóa họ mua có đảm bảo chất lượng, giá mặt hàng có đúng so với giá niêm yết hay doanh nghiệp nâng giá bán sau đó giảm giá.
Theo ông Đỗ Gia Phan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tổ chức Tháng Khuyến mãi không chỉ giúp cho doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm và tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể đến với doanh nghiệp ngày một nhiều hơn.
Song, để tiết kiệm được thời gian cũng như đưa ra sự lựa chọn chính xác khi muốn mua những mặt hàng khuyến mãi trong chương trình, người tiêu dùng cần tìm hiểu đầy đủ thông tin và có thể gọi điện tới tổng đài 04.1081 để tham khảo thêm các chương trình khuyến mãi đang diễn ra tại đâu và với mặt hàng nào.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Công ty TNHH S & B cũng cho biết: “Theo quy định của Luật Thương mại, trước khi đăng ký tham gia vào Tháng Khuyến mãi, các doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Sở Công Thương Hà Nội về nội dung mặt hàng khuyến mãi, hình thức khuyến mãi, giá các mặt hàng…
Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp vi phạm vấn đề này. Bên cạnh đó, dù các doanh nghiệp khi đăng ký khuyến mãi phải ghi rõ số lượng hàng bán khuyến mãi, hoặc số lượng, chủng loại quà tặng kèm, nhưng cơ quan quản lý lại không nắm rõ về giá bán từng mặt hàng và không buộc ghi rõ trị giá quà tặng kèm theo nên đã khiến không ít người tiêu dùng không biết khiếu nại đến cơ quan nào khi mua phải hàng khuyến mãi kém chất lượng, không đúng như quảng cáo”…
Thành công của Tháng Khuyến mãi chính là tạo được tâm lý hào hứng cho khách hàng, giúp các doanh nghiệp quảng bá được sản phẩm của mình. Song để đạt được mục đích đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát hàng hóa, giá bán, quà tặng kèm theo của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng trước khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào nên tìm hiểu kỹ thông tin về hàng khuyến mãi, kẻo mất tiền mua phải sản phẩm kém chất lượng…