Câu hỏi: Tôi hiện đã sống ở khu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được gần 10 năm nay. Cho đến nay thì cư dân chỗ chúng tôi xảy ra tranh chấp với người quản lý tại đây về vấn đề quản lý của ông ấy. Do sự việc đã tái diễn nhiều lần nên chúng tôi muốn giải quyết dứt điểm luôn từ giờ. Vậy cho tôi hỏi tôi cần thực hiện thủ tục gì và giấy tờ cần chuẩn bị gồm những gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ Khoản 3 Điều 177 Luật nhà ở 2014 thì: “Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý, Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý; trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Xây dựng thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.
Như vậy khi xảy ra tranh chấp thì tùy vào cơ quan quản lý nhà ở đó mà thẩm quyền giải quyết khác nhau. Trường hợp nhà ở do địa phương quản lý thì thẩm quyền do UBND cấp tỉnh quyết định, trường hợp nhà ở do trung ương quản lý thì thẩm quyền do Bộ xây dựng quyết định.
Sau khi xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, bạn có thể tiến hành nộp hồ sơ khiếu nại liên quan đến vụ việc của mình. Cụ thể, căn cứ Điều 34 Luật khiếu nại 2011 thì hồ sơ khiếu nại bao gồm:
a) Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;
b) Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
c) Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);
d) Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại;
e) Các tài liệu khác có liên quan.
Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì sau đấy bạn mới được khởi kiện tại Tòa án nhân dân.