Tranh chấp kinh doanh: Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết? Dưới đây là câu hỏi của 1 quý khách hàng của SBLAW và trả lời tư vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại kinh doanh. Mời quý khách theo dõi.
Câu hỏi:
Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp tư nhân thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội có ký hợp đồng bán 6 chiếc xe máy cho công ty TNHH X có trụ sở tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn vào tháng 10/2017 nhưng đến hạn thanh toán mà công ty X đã không thanh toán tiền hàng cho công ty tôi. Xin hỏi tôi có thể khởi kiện lên toàn án nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
"1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.
Như vậy với trường hợp của bạn Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn có trụ sở.
Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Bộ luật này quy định:
"1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này."
Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 30 bên trên dẫn chiếu ra Điều 30 Bộ luật này quy định là:
"Điều 30. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Vậy trường hợp của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện bên bị đơn có trụ sở đó là Toà án nhân dân thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.