Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã nêu quan điểm về vấn đề phòng chống tham nhũng thông qua hình thức “mua đắt” “bán rẻ”. Dưới đây là nội dung chi tiết:
1/ Còn rất nhiều vụ việc khác có thể kể đến như vụ án mua ụ nổi của Dương Chí Dũng, cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam hay vụ "đất vàng" liên quan đến Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đang tạo nên những nghi ngại, thắc mắc của dự luận trước những dấu hiệu "ưu ái", uẩn khúc trong các hoạt động mua doanh nghiệp tư nhân, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước . Vậy nguyên nhân của tình trạng mua đắt bán rẻ là do đâu?
Trả lời:
Hiện nay, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và công tác cán bộ. Giải pháp phòng ngừa tuy có tập trung, tích cực triển khai nhưng một số giải pháp hiệu quả chưa cao, còn hình thức. Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển Cơ quan điều tra chưa nhiều. Thu hồi tài sản cũng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công tác này.
Có những cuộc kiểm tra công khai lại mang tính chất "hợp pháp hoá" sai phạm cho đối tượng vi phạm. Có những dạng tham nhũng theo kiểu mua đắt, bán rẻ.
Về đánh giá, xử lý tài sản, có một số trường hợp để lại những hậu quả, đánh giá không tốt trong dư luận, gây nên những nghi ngờ, hoài nghi về việc thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt trong vấn đề về đánh giá giá trị tài sản, về xử lý đất đai, các khoản nợ trong quá trình cổ phần hóa. Ví dụ như Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty Giày Sài Gòn, … để lại những điều tiếng, thất thoát tài sản nhà nước trong việc xử lý vấn đề đất đai.
Nguyên nhân của thực trạng này là do một số quy định còn chưa chặt chẽ, việc thực thi pháp luật chưa tốt dẫn đến tạo kẽ hở gây thất thoát.
Trước hết phải kể đến là quy định pháp luật về việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp rõ ràng là còn có nhiều bất cập. Theo đó, đất thuê trả tiền hằng năm không được đưa vào giá trị cổ phần hóa. Vì vậy, doanh nghiệp đã lách bằng cách lựa chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp được giao đất thì tài sản đất đai cũng chỉ được định giá đất tính theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định, không sát giá thị trường, ...
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trong triển khai thực hiện không thực hiện đúng phương án sản xuất kinh doanh sau chuyển đổi (trong có vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất) mà không bị xử lý. Có trường hợp được phép chuyển quyền sử dụng đất sau cổ phần hóa, nhưng cổ đông nhỏ và các bên có liên quan không nắm được thông tin, ...
Thực tế qua nhiều vụ việc cổ phần hóa trong thời gian vừa, có thể thấy rằng trong một số trường hợp, một số doanh nghiệp đã cố tình định giá thấp để trục lợi từ cổ phần hóa.
2/ Thưa ông để xảy ra tình trạng mua đắt bán rẻ nêu trên phải chăng các quy định về luật pháp, hành lang pháp lý trong quá trình cổ phần hóa, quản lý và sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước của chúng ta còn nhiều lỗ hổng,thiếu sự đồng bộ, chặt chẽ hay còn do nguyên nhân nào khác?
Trả lời:
Như tôi đã trình ở trên, nguyên nhân của thực trạng này là ngoài do một số quy định còn chưa chặt chẽ còn do việc thực thi pháp luật chưa tốt dẫn đến tạo kẽ hở gây thất thoát.
Ví dụ như vụ Mobifone, sự việc này gióng lên hồi chuông rất đáng báo động đó là chất lượng bộ máy công quyền có liên quan đến việc thẩm định các đề xuất của công ty sử dụng vốn của nhà nước.. Rõ ràng chất lượng thẩm định của bộ máy có vấn đề, có thể người ta không nhận thức được do năng lực quá yếu kém; nhưng có thể họ nhận thức ra nhưng cố ý làm sai vì lợi ích.
3/ Thưa ông, để bảo đảm việc định giá tài sản mua bán trong cổ phần hóa doanh nghiệp; quản lý sử dụng vốn đầu tư công đúng thực chất tránh bị ảnh hưởng của nhóm lợi ích thì chúng ta cần làm gì?
Trả lời:
Qua nhiều vụ việc người dân thường nghi ngờ về sự thiếu công khai, minh bạch trong các hoạt động mua doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Do đó trước tiên, phải đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tính minh bạch của quá trình cổ phần hóa nói chung, định giá doanh nghiệp nói riêng cũng như xác định đúng giá trị vốn nhà nước nhằm tranh gây thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, quyền được giao đất, quyền được thuê đất.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế, cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Những vi phạm pháp luật dù ở cấp độ nào, bộ ngành nào, bất kể cá nhân nào đều phải bị xử lý nghiêm minh. Những hành vi trái pháp luật thì phải bị trừng trị bằng pháp luật. Các đối tượng cán bộ thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó phải xử lý nghiêm khắc.
Có như vậy mới cảnh tỉnh được cán bộ có ý định lăm le làm trái để trục lợi và coi đó là tấm gương tày liếp không dám vi phạm. Và như thế mới khôi phục lại niềm tin trong nhân dân về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng hiện nay.