Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khi hậu nhiệt đới, với diện tích kéo dài hàng ngàn km từ bắc tới nam, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, tự nhiên để các loài sinh vật phát triển và tạo ra sự phong phú của nhiều loài động thực vật và nhiều hệ sinh thái khác nhau.
Đi từ Bắc tới Nam, mỗi vùng miền đều có những loại nông sản với những đặc tính và đặc thù khác nhau, đã tạo ra “thương hiệu” từ hàng ngàn năm. Có thể kể ra như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, gạo tám xoan Hải Hậu, gạo nàng thơm Chợ Đào, quế Trà Bồng, xoài cát Hoà Lộc, cam Vinh, cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Mường Khương, hồ tiêu Chư Sê, điều Bình Phước, măng cụt Lái Thiêu, hoa hồi Lạng Sơn, bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều đặc sản của các vùng địa lý đang bị mai một và biến mất dần khỏi tâm trí người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là người dân và các cấp chính quyền địa phương đã không có một chiến lược xây dựng và quản lí, sử dụng các nhãn hiệu tập thể, chứng nhận và chỉ dẫn địa lý hiệu quả.
Không tạo ra một chiến lược truyền thông đủ mạnh để nâng cao nhận thức của người dân ở những vùng có đặc sản, chưa tạo ra một sự đồng thuận, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền nhằm bảo hộ và phát triển thương hiệu cho những vùng đặc sản.
Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh Bình Phước đã có một chiến lược nhằm xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cao su Bình Phước.
Mục tiêu của dự án là quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận Bình Phước cho sản phẩm cao su.
Góp phần nâng thương mại hóa và thị trường hóa sản phẩm cao su mang nhãn hiệu Bình Phước trên thị trường trong và ngoài nước, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai, phát triển du lịch làng nghề và sinh thái tại vùng cao su Bình Phước.
Để cùng địa phương phát triển dự án này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, từ S&B Law đã có buổi thuyết trình về dự án “tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Bình Phước dùng cho sản phẩm cao su của tỉnh Bình Phước.
Tại buổi thuyết trình, luật sư Nguyễn Tiến Hòa đã nêu lên những kế hoạch để thực hiện dự án, nhân sự, tài chính và những thuận lợi khó khăn.
Bài thuyết trình đã được lãnh đạo Sở khoa học và công nghệ xem xét, đánh giá và cho ý kiến góp ý.
S&B Law với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của mình về sở hữu trí tuệ, luôn mong muốn trợ giúp các địa phương trong việc bảo vệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình.