PV: Theo ông, những phương thức tài chính nào doanh nghiệp xuất khẩu nên tận dụng để giảm thiểu rủi ro, trong quá trình hoạt động?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Theo quan điểm của tôi, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thường gặp phải vấn đề trước tiên là tỷ giá. Nếu đồng Việt Nam mua được nhiều ngoại tệ hơn thì sẽ thúc đẩy xuất khẩu hơn, có lợi cho doanh nghiệp hơn. Các doanh nghiệp cần làm việc với các ngân hàng thương mại để có các công cụ ổn định tỷ giá, tránh trường hợp chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu về ít do ảnh hưởng của tỷ giá.

Công cụ thứ hai có thể sử dụng đó là áp dụng bảo hiểm đối với xuất khẩu. Đây là một công cụ tốt và có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp gói sản phẩm này để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu để chia sẻ và hạn chế các rủi ro cho các nhà xuất khẩu.
Công cụ thứ ba là huy động tín dụng từ các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Muốn xuất khẩu được thì phải có nguồn hàng và nguồn vốn hoặc là nguồn tài chính tốt để không bị đứt gãy về dòng tiền. Khi đó sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp nhiều hơn trong việc ổn định được sản xuất và giữ được đơn hàng.

Bên cạnh đó còn nhiều công cụ khác mà doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động sử dụng như sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các ngân hàng nước ngoài trong việc áp dụng các công cụ thanh toán trước chuyển hàng sau, nhờ thu,… để bảo vệ được nhà xuất khẩu. Hoặc là các công cụ khác từ chính đối tác nhập khẩu khi mà hai bên đã có sự tin tưởng nhau.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Tận dụng công cụ tài chính để giảm thiểu rủi ro
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

PV: Như ông vừa nêu, một trong các công cụ tài chính tốt được đánh giá cao để hỗ trợ doanh nghiệp chính là tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu. Ông đánh giá vai trò của công cụ này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Thị trường cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu các rủi ro này được san sẻ và được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp bảo hiểm thì sẽ rất tốt và sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp nhiều gói hỗ trợ rất đa dạng và có mức phí cạnh tranh, giúp cho các nhà xuất khẩu mua gói bảo hiểm giảm thiểu được thiệt hại khi có rủi ro. Ví dụ có những gói bồi thường nếu các nước nhập khẩu có sự thay đổi về chính sách gây ra thiệt hại cho nhà xuất khẩu, hoặc trường hợp quá trình vận chuyển hàng hóa bị mất mát, thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ bồi thường.

Đây là công cụ tài chính mà các nhà xuất khẩu nên tham gia, không chỉ để đề phòng rủi ro mà còn nâng cao uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu với đối tác khi nhìn thấy sự nghiêm túc trong việc đảm bảo hàng hóa.

Hiện nay, trên thị trường thương mại quốc tế, các nhà xuất khẩu lớn hầu hết đều tham gia các gói bảo hiểm này.

Hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp
Hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp( Ảnh minh hoạ)

PV: Tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như ông vừa phân tích. Vậy, cơ quan quản lý cần có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu, tham khảo các gói bảo hiểm xuất khẩu của nước ngoài đang áp dụng để từ đó hoàn thiện chính sách, khung pháp lý sát với thực tiễn thị trường. Nếu thực tiễn kinh doanh bảo hiểm có sự thay đổi thì các quy định cũng cần kịp thời thay đổi một cách phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

PV: Vậy còn các doanh nghiệp bảo hiểm, theo ông, họ nên làm gì để thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tốt hơn trong thời gian tới?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Doanh nghiệp bảo hiểm cần đưa ra được những gói sản phẩm phù hợp nhưng cũng cần phải tư vấn và có sự hướng dẫn đối với lại các đơn vị xuất khẩu để họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp. Tránh trường hợp hiểu không rõ sản phẩm, dẫn đến tranh chấp.

Ngoài ra, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm cần tích cực cùng doanh nghiệp xuất khẩu khắc phục hậu quả. Không nên chỉ tập trung bán bảo hiểm, khi cần thì tìm mọi cách để không phải bồi thường.

Ở chiều ngược lại, bởi vì đây là công cụ tài chính không phải bắt buộc mà là tự nguyện nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần tham khảo các dịch vụ, các gói sản phẩm của các đơn vị bảo hiểm có uy tín để mua những gói bảo hiểm đảm bảo là được san sẻ rủi ro và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong mắt đối tác và cũng là cái góp phần để tránh những thiệt hại thì tiềm năng.