Tác quyền và câu chuyện về văn hóa ứng xử

Nội dung bài viết

Trong bài: "Tác quyền và câu chuyện về văn hóa ứng xử" đăng trên báo Tầm nhìn, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Công ước Berne cho phép tác giả hưởng tác quyền suốt đời, cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó.

Tại Việt Nam, Công ước Berne có hiệu lực kể từ ngày 26/10/2004. Theo đó, Việt Nam cũng như các quốc gia tuân thủ công ước Bern công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác, cùng tuân thủ công ước này.

Quyền tác giả, theo công ước Berne là tự động: không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền.

Luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Sau khi gia nhập Công ước Berne, Việt Nam tiếp tục tham gia vào các Điều ước quốc tế quan trọng khác về quyền tác giả, quyền liên quan. Sau khi chính thức trở thành thành viên của Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm là Công ước Brussels bảo vệ quyền của các tổ chức phát sóng đối với tín hiệu mang chương trình được mã hóa truyền qua vệ tinh có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 12 tháng 1 năm 2006. Kể từ ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và như vậy, Việt Nam phải thực hiện các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Hiệp định TRIPs khẳng định lại, đồng thời mở rộng các quy định của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm. Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng cũng đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 3 năm 2007.

Như vây, chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Công ước Berne, Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các Công ước và Hiệp định quốc tế quan trọng nhất về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc tham gia vào các Điều ước quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình về quyền tác giả và quyền liên quan, phù hợp với pháp luật quốc tế. Cùng với Luật Sở hữu trí tuệ, các luật chuyên ngành như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hoá, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo ... đều có các quy định liên quan đến bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan được ban hành tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, theo các nhà làm Luật và giới Luật sư thì Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, gây bất cập trong việc thực thi pháp luật, tạo kẽ hở cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền ở những mức độ khác nhau.

Vấn đề tác quyền hay câu chuyện ứng xử văn hóa

Mới đây, câu chuyện bản quyền liên quan đến tác phẩm phái sinh từ truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đang làm dậy sóng dư luận. Từ góc nhìn của tác giả và cả giới văn học, nghệ thuật thì đây không chỉ là câu chuyện về vấn về quyền được hưởng thù lao, nhuận bút của tác giả đối với tác phẩm gốc của mình sau khi được phái sinh, mà chính là câu chuyện về văn hóa ứng xử văn hóa của những người làm nghề, đối với tác giả và tác phẩm.

Cuối tháng 11/2017, tại Liên hoan Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc), vở kịch “Khát vọng” cùng lúc được trao 6 giải thưởng lớn. Trước đó, vở này cũng từng được Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu Thủ đô năm 2016 và giải B của Hội Nghệ sỹ sân khấu năm 2017. Tuy nhiên, vở kịch nói trên không hề đề cập đến tên tác giả của tác phẩm gốc là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.Từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà biên kịch Tạ Xuyên đã chuyển thể thành vở kịch “Khát vọng”. NSƯT Hoàng Lâm Tùng - Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và công diễn. Vờ kịch "Khát vọng" đạt được rất nhiều thành công ở cả trong nước và ở nước ngoài.

Mặc dù chạnh lòng về việc tên mình không được nhắc tới trong tác phẩm nhưng Nhà văn Nguyễn Quang Thiều vẫn gửi lời chúc mừng các nghệ sĩ của Nhà hát kịch với những thành công vang dội mang lại vinh quang cho Tổ quốc và với ông: “Dù sao cũng là một chút vui trong những ngày đầu năm mới”. Đây là tâm lý chung của những người làm kịch bản sân khấu: vở được dựng là mừng rồi!

Nghệ sĩ vốn nhạy cảm, nên việc đứng ra đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình đôi khi cũng thật khó nói, bởi bản tính của người Việt nói chung vẫn là sự nể nang theo kiều “tình làng, nghĩa xóm, tình đồng nghiệp”.

Tuy nhiên, chuyện đã không dừng ở đó khi trong một bài trả lời phỏng vấn, Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam cho biết: " Chỉ có tờ giới thiệu vở diễn đi Thẩm Quyến, do phải in cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc quá nhiều chữ, nên nhà hát đã không có tên nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong thành phần sáng tạo. Còn tất cả các buổi diễn trong nước, trước mỗi giờ khai màn đều có giới thiệu vở diễn được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Về vấn đề tác quyền, nhà hát đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị dựng vở đối với gia đình cố tác giả Tạ Xuyên. Từ ngày vở còn là bài tốt nghiệp đến các buổi diễn chính thức, đạo diễn Lâm Tùng và nhà hát đều mời rất trịnh trọng nhà văn Nguyễn Quang Thiều đến xem nhưng nhà văn đều bận và không tới dự."

Điều này đã khiến cho Nhà văn Nguyễn Quang Thiều buộc phải lên tiếng trên facebook của mình. Anh cho biết: “Có 2 thành phần rất quan trọng liên quan đến vở diễn là đạo diễn, tác giả (tác giả cụ thể trong vở diễn này là tác giả kịch bản và tác giả truyện ngắn". Vậy sao lại lấy lý do vì nhiều chữ mà quên tên tác giả gốc trong khi lại ghi đủ các thành phần khác? Thứ 2 là bản thân Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ được nhà hát mời một lần nào đến xem vở diễn. Anh cũng đặt câu hỏi, nếu mời thì ai là người mời? và ai là người gửi giấy mời? tới cho anh vì anh hoàn toàn không nhận được. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng nhấn mạnh về bản quyền, nhà hát phải nói rõ với gia đình nghệ sỹ Tạ Xuyên. Tôi rất quí trong nghệ sỹ Tạ Xuyên và trong chuyện này gia đình nghệ sỹ Tạ Xuyên không có lỗi.

Theo Luật sư Phạm Duy Khương - Công ty Luật SBLAW thì: Vấn đề tác quyền phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể của tác giả truyện ngắn (tác phẩm gốc) với tác giả kịch bản (tác phẩm phái sinh) và có các quyền theo quy định, trong đó có quyền nhân thân, quyền tài sản theo quy định của quyền nhân thân. Và như thế thì khi làm tác phẩm phái sinh tác giả kịch bản là nhà biên kịch Tạ Xuyên phải ghi rõ là là tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Và như vậy, theo Luật Sở hữu trí tuệ khi tác phẩm được dàn dựng theo kịch bản sân khấu “Khát vọng” của nhà văn Tạ Xuyên, hiển nhiên có tên của nhà văn Nguyễn Quang Thiều vì lúc này quyền của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nằm một phần trong tác phẩm “Khát vọng” rồi và tác giả đương nhiên được hưởng nhận bút theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

3 câu chuyện về bản quyền

Trên trang facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết: “Lẽ ra tôi không kể những chuyện dưới đây. Vì tôi tâm niệm rằng: Nếu mình làm một điều tốt mà kể ra thì việc làm tốt ấy có nguy cơ biến mất. Nhưng chắc các bạn sẽ chia sẻ với tôi khi tôi kể những chuyện này”.

Chuyện thứ nhất: Gần 30 năm trước, tôi có in một truyện ngắn có tên “ Bụi Trắng” ở một tờ báo chuyên nghành. Ít lâu sau, tôi thấy một truyện ngắn xuất hiện trên báo Tiền phong Chủ nhật trùng tên bèn đọc thì hóa ra là truyện ngắn của mình nhưng lại tác giả lại là người khác. Hỏi ra biết “tác giả” là sinh viên năm thứ hai của một trường đại học ở Hà Nội. Tôi đã không công khai chuyện này mà nhờ người phụ trách tờ báo nói với bạn sinh viên phải nghiêm khắc sửa chữa lỗi lầm. Tôi không làm ầm ĩ vì nghĩ bạn ấy còn trẻ và sai lầm là chuyện dễ hiểu. Nếu công khai chuyện đạo văn thì bạn ấy sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc. Như vậy, quyền chính đáng và sự minh bạch của tôi trong chuyện này có thể lại hại đến tương lai của một người trẻ.

Chuyện thứ 2: Trước khi đi Cuba học, tôi đã gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay cho một biên tập viên của một Nhà xuất bản. Mấy năm sau về nước, tiểu thuyết của tôi cũng không thể in được vì có những vấn đề mà ngày nay chúng ta gọi là “nhay cảm”. Tôi đã rút bản thảo về. Một người viết là đàn anh của tôi nói để ông ấy in cho. Nhưng khi sách ra đời thì ảnh tác giả là ảnh của ông ấy và tên tác giả không phải tên tôi. Ông ấy cũng lấy gần hết số nhuận bút cuốn tiểu thuyết đó. Tôi hỏi ông ấy sao lại thế? thì ông ấy trả lời vòng vo. Một số bạn bè tôi trong đó có biên tập viên đã giữ bản thảo của tôi nổi giận và muốn “xử lý” ông ấy. Tôi đã yêu cầu họ bỏ qua vì tôi có quen biết gia đình ông ấy. Nếu tôi công khai chuyện này thì gia đình, vợ con ông ấy sẽ xấu hổ và đau khổ vô cùng. Có một lý do phụ nữa mà tôi đã nói với những người bạn biết chuyện này là “ trong đầu tôi còn rất nhiều cuốn sách, tôi “tặng” ông ấy cuốn sách đó”. Một điều lạ lùng là sau này và cả bây giờ, ông ấy thi thoảng lại phê phán những sáng tác của tôi trên báo chí một cách không thiện chí. Trên thực tế, tôi đã quyết định in một bài phê phán thơ tôi trên tờ báo tôi phụ trách nội dung vì nhà phê bình ấy đã phê thơ tôi một cách trong sáng theo cách hiểu của ông. Tệ hơn là ông ấy còn phê phán đạo đức của tôi nữa . Và trong phần tiểu sử bản thân in trong sách của mình bây giờ, ông ấy vẫn kê khai cuốn tiểu thuyết của tôi là của ông ấy. Một câu chuyện thật bi hài phải không các bạn.

Chuyện thứ 3: Tôi có viết một bài thơ về mẹ mình như là một sự ân hận về những gì trong những năm tuổi trẻ tôi đã làm cho mẹ buồn và lo lắng về tôi. Tôi chưa in bài thơ này ở đâu mà chỉ thi thoảng cho một hai người bạn đọc trong cuốn sổ làm thơ của mình. Khi từ Cuba về nước, tôi nghe tin một người bạn vong niên bị mất. Tôi đã đến gia đình em ấy để thắp nén hương cho em. Mẹ của em ấy đã lấy cho tôi xem lá thư của em viết cho bà trước khi mất chừng một tháng. Kèm theo lá thư đó là bài thơ mà trong thư em ấy viết “con viết tặng mẹ bài thơ này. Bà cho tôi đọc bức thư và bài thơ. Tôi “choáng váng” nhận ra đó là bài thơ tôi viết cho mẹ mình. Sau đó bà nói với tôi bà đã khóc trong đau đớn khi mất đứa con của mình và bà cũng khóc vì hạnh phúc bởi lần đâu tiên bà thấy con mình đã viết được những lời như vậy về mẹ. Lúc đó tôi hiểu rằng: em ấy đã chép bài thơ trong sổ tay của tôi viết cho mẹ tôi để gửi cho mẹ em ấy. Tôi đã khóc.

Tôi đến trước ban thờ có di ảnh em ấy, thắp một nén hương cho em và thầm nói: “ Bài thơ này thuộc quyền sở hữu trọn vẹn của em. Anh chỉ là người chấp bút bài thơ này cho em mà thôi. Cầu nguyện cho em thanh thản chốn thiên thu”. Bài thơ ấy vẫn trong sổ tay của tôi. Tôi chỉ viết thêm một dòng chữ phía trên tên bài thơ. Dòng chữ đó là tên của em ấy. Và tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc vì điều đó. Đến bây giờ tôi vẫn tin, tôi không sáng tác bài thơ ấy mà tôi chỉ là người chép giúp em bài thơ của em cho mẹ em mà thôi. Mong linh hồn em ở chốn thiên thu thứ lỗi cho tôi khi kể câu chuyện liên quan đến em.

Đấy là 3 câu chuyện về bản quyền của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và con nhiều những câu chuyện bản quyền đã từng xảy ra được dư luận quan tâm. Vấn đề bản quyền không chỉ nhìn ở góc độ pháp lý mà trong đó còn chứa đựng sự tôn trọng, sự chia sẻ và lòng cảm thông đối với từng trường hợp cụ thể.

Nguồn: http://tamnhin.net.vn/tac-quyen-va-cau-chuyen-ve-van-hoa-ung-xu-8436.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan