Tác động của Luật Hỗ trợ DNNVV đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên VTC10 về vấn đề: Tác động của Luật Hỗ trợ DNNVV đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã chính thức được Quốc hội thông qua, và có hiệu lực từ 1/1/2018. Theo quan điểm của ông, luật này sẽ có tác động như thế nào để sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân?

Luật sư trả lời:

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm 4 chương, 35 điều, với nội dung chính là hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, miễn giảm thuế, hỗ trợ mở rộng thị trường, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý...

Một động lực mới cho nền kinh tế, cú huých cho kinh tế tư nhân, cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được thiết lập khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai

Kích thích chuyển đổi mô hình

Luật hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô, hỗ trợ có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.

Điểm nổi bật của Luật là hỗ trợ DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Một lý do quan trọng khiến các hộ kinh doanh không có động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không phải thực hiện các quy định như phải có kế toán trưởng, phải thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai…

Quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV chỉ miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Khơi thông nguồn vốn

Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DNNVV vừa được thông qua cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho doanh nghiệp, với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với Quỹ phát triển DNNVV, Luật quy định rõ: đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập để cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Luật cũng nêu rõ về Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng quy định, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những quy định này sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Câu 2: Cùng với luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thì hệ thống các văn bản pháp luật của VN hiện đang hỗ trợ cộng đồng DN tư nhân như thế nào?

Luật sư trả lời:

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Việt Nam còn ban hành các văn bản sau để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân:

- Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong đó doanh nghiệp tư nhân được quy định tại một chương riêng của Luật.

- Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.

- Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

- Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Theo Nghị quyết, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết nêu rõ 10 nguyên tắc để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế:

a) Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

b) Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

c) Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

d) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.

đ) Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.

e) Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.

g) Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.

h) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

i) Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

k) Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Câu 3: Luật thì đã có, nhưng làm thế nào để luật đi vào thực tiễn lại là 1 khía cạnh khác. Ông có ý kiến như thế nào để tăng hiệu quả của luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa nói riêng, cũng như hệ thống pháp luật có tác động đến khu vực kinh tế tư nhân nói chung khi triển khai thực tế?

Luật sư trả lời:

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với mục tiêu giải quyết các tồn đọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần trợ giúp chủ yếu từ phía cơ quan nhà nước. Vì vậy, để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bám sát tình hình, thực trạng thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền phải đi nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho DN về cơ hội, định hướng làm ăn. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cung cấp thông tin về pháp luật, đào tạo về quản trị, quản lý tài chính cho khu vực DN này. Nhà nước cũng có thể xây dựng trang web về các phần mềm quản lý tài chính đơn giản cho dùng chung, doanh nghiệp vào trang đó download về sử dụng miễn phí.

Đồng thời, phải xác định rõ ràng những quy định, quy phạm pháp luật trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là phù hợp với thực tiễn và thỏa mãn được nhu cầu của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Có như vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời mới trở thành một công cụ pháp lý quan trọng, thiết thực, tác động tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan